Từng có sự tham gia của một vài doanh nghiệp tư nhân, đến nay sở hữu khách sạn Metropole chỉ bao gồm hai cái tên một của Nhà nước và một của nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng với khách sạn JW Marriott và Melia Hà Nội là nơi 2 nhà lãnh đạo Mỹ – Triều, ông Donald Trump và Kim Jong Un lưu trú trong những ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội, khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội là cái tên thứ 3 được đặc biệt quan tâm. Đây chính là nơi 2 nhà lãnh đạo Mỹ – Triều đã cùng dùng bữa tối đầu tiên cùng nhau tại Hà Nội cũng như diễn ra các hoạt động tiếp xúc, đàm phán, và dự kiến nơi đưa ra tuyên bố chung vào chiều nay, 28/2.
Khách sạn Metropole Hà Nội, nơi 2 nhà lãnh đạo Mỹ – Triều cùng ăn tối vào hôm qua (27/2) và có buổi hội đàm vào hôm nay (28/2). |
Khách sạn 5 sao lâu đời nhất Hà Nội
Khách sạn Sofitel Metropole là khách sạn 5 sao đầu tiên của Hà Nội. Hiện tại, đây vẫn được đánh giá là khách sạn có kiến trúc đặc biệt và vị trí đắc địa nhất thủ đô khi nằm ngay mặt phố Ngô Quyền (quận Hoàn Kiếm).
Được xây dựng từ năm 1901, những ông chủ đầu tiên của khách sạn này là 2 nhà đầu tư người Pháp, ông Gustave Émile Dumoutier và Andre Ducamp.
Năm 1954, khách sạn được tiếp quản bởi Việt Nam và đổi tên thành Khách sạn Thống Nhất do UBND thành phố Hà Nội quản lý. Mãi tới năm 1990, cái tên Metropole mới được sử dụng trở lại là tên chính thức của khách sạn.
Suốt hàng chục năm, Metropole trở thành nơi đón tiếp các chính trị gia, nhà ngoại giao và những nhân vật quốc tế nối tiếng thế giới. Khách sạn này đã xây thêm cả khu hầm trú bom để phục vụ những người nổi tiếng dừng chân tại đây thời còn chiến sự.
Khi chiến tranh sắp kết thúc, các nước phương Tây mở quan hệ ngoại giao với Việt Nam, đây cũng là nơi nhiều nước chọn để đặt đại sứ quán tạm thời.
UBND thành phố Hà Nội sau đó cũng chuyển giao toàn bộ quyền sở hữu tại khách sạn này lại cho Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist).
Khách sạn Metropole Hà Nội. Ảnh: MetropoleHN. |
Hiện tại, Hanoitourist là doanh nghiệp trực thuộc UBND thành phố Hà Nội, sở hữu lượng khách sạn hạng sang lớn nhất thành phố. Trong tổng số hơn 10 khách sạn 5 sao của Hà Nội, Hanoitourist nắm giữ cổ phần chi phối của 5 khách sạn nổi tiếng nhất như gồm Metropole Hanoi; InterContinental Hanoi Westlake; Pullman Hanoi; Hilton Hanoi Opera và Hotel De L’Opera.
Ngoài ra, công ty còn sở hữu và nắm giữ cổ phần chủ yếu của các khách sạn 4 sao như Khách sạn Hà Nội, Hilton Garden Inn…
Hai ông chủ lớn nhất tại Metropole
Năm 2005, quỹ đầu tư Vietnam Opportunity Fund (thuộc VinaCapital) cho biết đã chính thức sở hữu một nửa quyền và lợi ích tại khách sạn này. Tuy nhiên, giá trị thương vụ không được quỹ này tiết lộ.
Đến năm 2008, một liên doanh do Hanoitourist và VOF được lập ra để quản lý khách sạn này với tên gọi Công ty TNHH Liên doanh khách sạn Thống nhất Metropole. Trong đó, cổ đông chỉ bao gồm 2 pháp nhân là Hanoitourist và Indotel Limited (Singapore) – công ty được VOF thành lập, mỗi bên sở hữu 50% vốn.
Theo đó, vị trí Chủ tịch HĐTV của liên doanh này được ông Nguyễn Minh Chung (Chủ tịch Hanoitourist) đảm nhiệm, trong khi vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật thuộc về ông Craig Andrew Douglas (người Australia).
Cuối năm 2012, VOF rao bán toàn bộ cổ phần nắm giữ tại khách sạn này. Một lãnh đạo VOF khi đó cho biết giá trị sổ sách của một nửa cổ phần Metropole tại thời điểm này lên tới 58,7 triệu USD, trong khi vốn điều lệ của khách sạn là 19 triệu USD.
Tuy nhiên, phải đến giữa năm 2017, những báo cáo của VOF mới không còn thể hiện khoản đầu tư vào khách sạn này khi quỹ đầu tư đã rút hết vốn khỏi Indotel Limited. Không tiết lộ giá trị cụ thể của thương vụ nhưng sau đó, quỹ đầu tư này cho biết đã bán một tài sản cho một nhóm nhà đầu tư và nhận về tối thiểu 100 triệu USD.
Đối tác mua lại số cổ phần này chỉ được miêu tả là một liên doanh mới thành lập. Tuy nhiên, theo Savills, nhóm đầu tư mới thành lập chính là một liên doanh do VinaCapital và Warburg Pincus lập ra.
Ngoài sở hữu Nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài, từng có thời gian, cơ cấu cổ đông của Metropole có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Cụ thể, Hanoitourist từng bán lại 5,26% vốn tại đây cho Công ty cổ phần Liên hiệp Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội (Unimex). Trong đó, cổ đông chính của Unimex là Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển với tỷ lệ sở hữu gần 51%; 20,5% thuộc về Hapro, công ty do bà Nguyễn Thị Nga làm chủ tịch.
Tuy nhiên, theo công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp mới nhất của Metropole (1/2018), toàn bộ phần vốn sở hữu tư nhân này đã được chuyển giao lại cho phía Hanoitourist.
Hiện tại, khách sạn 5 sao lâu đời nhất Hà Nội chỉ còn 2 cổ đông gồm Indotel Limited sở hữu 50% tương đương 203 tỷ đồng và Hanoitourist sở hữu 50% còn lại.
Doanh thu hàng chục triệu USD mỗi năm
Không công bố kết quả kinh doanh hàng năm nhưng giai đoạn còn thuộc sở hữu của VOF, tình hình kinh doanh của khách sạn này đều được VOF tổng hợp.
Theo đó, các báo cáo của VOF cho thấy Metropole là khách sạn nằm trong nhóm có doanh thu cao nhất tại Hà Nội lên tới hàng chục triệu USD mỗi năm.
Năm 2011, Metropole thu về tới 34,3 triệu USD doanh thu và 6,9 triệu USD lợi nhuận. Trong các năm sau đó, doanh thu của khách sạn này cũng đều đạt trên 35 triệu USD và lợi nhuận đều xấp xỉ 10 triệu USD.
Nếu so với kết quả kinh doanh của Melia Hà Nội (nơi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lưu trú), doanh thu của Metropole cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, do phải chi rất nhiều tiền cho việc duy tu và cải tạo nên tỷ suất lợi nhuận của khách sạn này chỉ đạt trên 20%, trong khi Melia lên tới xấp xỉ 50%.
Trong năm 2014, doanh thu của khách sạn này cũng đạt 37,1 triệu USDvà lợi nhuận đạt 9,6 triệu USD.
Theo Hanoitourist, Metropole hiện cũng là một trong những khách sạn có kết quả kinh doanh hoạt động hiệu quả nhất trong hệ thống khách sạn mà doanh nghiệp này sở hữu.
Trong năm 2017, Hanoitourist đạt doanh thu 1.393 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2016, và thu về 549 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 11%. Đóng góp chính vào kết quả này chính là doanh thu từ các khách sạn mà công ty sở hữu cổ phần chi phối.
Phản hồi gần đây