Trong 10 năm qua, người đàn ông Trung Quốc đã đi qua 22 nước và chuẩn bị năm nay sẽ chinh phục các nước châu Mỹ.
Năm 2007, khi 61 tuổi, ông Từ Ngọc Khôn quyết định thay đổi cách sống của mình. Đêm đó, khi còn là một người nông dân bình thường ở Lật Hà (Nam Dương, Hà Nam) ông chờ vợ ngủ say, rồi lẻn khỏi nhà. Đầu tiên, ông đến nhà một người bạn mới quen họ Trương, cách nhà không xa để gia đình không thể lần được tin tức.
Một ngày ở Lật Hà rất chậm. Người già luôn thức dậy sớm và thường tập trung tại con hẻm để nói chuyện. Sáng, chiều lặp đi lặp lại. Kiểu sống này khiến ông Từ cảm thấy khủng hoảng. Từ những năm 50 tuổi, ông đã muốn đi khám phá thế giới, nhưng gia đình không ai đồng ý. “Tôi thuyết phục bản thân với lý do 4 con gái chưa kết hôn, nhiệm vụ của bản thân chưa hoàn thành nên từ bỏ”, ông nói với QQ.
Ông Từ Ngọc Khôn đã đạp xe 10 năm, qua 22 nước và chuẩn bị sẽ tới Mỹ. Ảnh: QQ. |
Đến khi các con đã yên bề gia thất, họ vẫn phản đối thì ông không thể chần chừ nữa. Khi tới Bắc Kinh ông mới gọi điện về cho vợ: “Tôi lên đường, đã đi được một trăm dặm, đừng tìm tôi, cũng đừng hỏi vị trí cụ thể của tôi”.
Hành trình của ông thường bắt đầu từ 5 giờ sáng và đạp xe khoảng 100 km mỗi ngày. Ban đêm ông ngủ trong túi ngủ và viết nhật ký. Ông đã đi hầu hết Trung Quốc và đến Hong Kong, Macao, cũng như nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á, Australia, châu Âu. Trong hành trình ấy, ông đã đổi 6 chiếc xe đạp và mặc 10 bộ quần áo giống nhau, viết hết 13 cuốn nhật ký.
Kẻ thù lớn nhất của ông là cơn buồn ngủ. Khi thời tiết tốt hoặc có người, ông sẽ dừng lại ngủ trong ít phút. Nhưng khi mưa hoặc tuyết, ông không tìm được nơi dừng chân thì sẽ phải chịu đựng cơn buồn ngủ. “Lần đạp xe đến Thiểm Tây, tuyết rơi rất lớn. Tôi ngủ thiếp đi, rơi xuống mương sâu bên đường và kẹt giữa hai cái cây”, ông nhớ lại. Ông cũng từng bị côn trùng cắn, gặp những con gấu đen trong rừng hay lạc đường ở châu Âu…
Ở nước ngoài, vấn đề khó khăn nhất là ngôn ngữ. Trong vài năm đầu đi xe ở Đông Nam Á, ông phải tìm người Trung Quốc để giúp đổi tiền, mua thẻ điện thoại. Sau đó với phần mềm dịch thuật, vấn đề ngôn ngữ đã cơ bản được khắc phục. Trong các chuyến đi, ông đều mang theo chiếc nồi và nấu mì để tiết kiệm chi phí. Mỗi lần ông về nhà, sẽ vẽ một bản đồ lớn, cẩn thận đánh dấu con đường mình đã đi qua.
“Khi tôi trở về nhà lần đầu tiên tôi rất đen và gầy, quần áo của tôi bạc phếch. Gia đình và hàng xóm nhìn chằm chằm tôi như một người rừng. Một trong những cô con gái nói muốn gửi tôi vào bệnh viện tâm thần. Tôi lo lắng, nếu thật sự phải vào đó tôi sẽ chết”, ông nói. Gia đình cũng đã nghĩ rất nhiều cách để ngăn ông, như tịch thu tiền, giấu máy ảnh, song tất cả đều không hiệu quả. Cứ sau một thời gian ở nhà, ông lại đi, tổng cộng xuất phát 13 lần.
Ông Từ lưu ảnh và nhật ký về hành trình của mình. Ảnh: QQ. |
Trong ấn tượng của Từ Ngọc Khôn, mọi người đều châm biếm và mỉa mai ông. Một lần tình cờ ông gặp một người bạn cũ là một giáo viên đã nghỉ hưu, hai người đứng cạnh nhau và trò chuyện vui vẻ. Sau khi tạm biệt, ông Từ vừa đi vài bước thì nghe rõ một người đến hỏi người bạn: Ông ấy có phải bị thần kinh không? Người bạn trả lời: “Không thần kinh thì không thể làm điều này!”.
Năm 2016, ông Từ trở về từ Australia và tạm dừng cuộc hành trình vì vấn đề tài chính. Trong hơn 2 năm qua, ông đã cố gắng chuẩn bị ít nhất 30.000 tệ cho hành trình sang châu Mỹ, thông qua các buổi triển lãm ảnh cũng như chia sẻ về chuyến đi của mình.
Vào ngày 24/11/2018, ông Từ đến Bắc Kinh tham dự hội nghị du lịch toàn cầu. Hoàng tử Dubai đã đích thân trao tặng ông một giải thưởng và mời ông đến thăm Dubai. Ông cũng vừa hoàn thành visa Mỹ và sẽ tới đó vào tháng 4 năm nay.
Đến giờ thì không còn ai trong gia đình hay hàng xóm phản đối ông Từ nữa. Ở tuổi 73, ông thấy nhiều cụ già từng tán chuyện với ông trước đây đã qua đời. “Nếu không đi, đợi đến khi chân không thể bước nổi, lúc đó tôi sẽ chết trong hối hận. Chi bằng đi ngay bây giờ”, người nông dân chọn một cách sống khác, cho hay.
Phản hồi gần đây