Có dịp rong ruổi trên những vùng đất miền Tây bạt ngàn lúa, hoa, cây trái… mới cảm nhận được những đổi thay ngoạn mục của vùng Đồng Tháp Mười mênh mông bát ngát. Có cảm giác như đó là vùng đất mà mùa Xuân ngự trị quanh năm…
Nơi con người sống chung với lũ…
Xưa kia, Đồng Tháp Mười là vùng đất hoang hóa, cỏ cây dại bạt ngàn, nên được chọn làm căn cứ địa vững chắc của cách mạng trong cả hai thời kỳ kháng chiến. Không biết bao nhiêu bom đạn và chất độc hóa học đã trút xuống vùng đất này, nhưng vẫn không tài nào ngăn trở được sức vươn lên mạnh mẽ của sự sống.
Hòa bình lập lại, miền đất ấy vẫn là “vùng trũng” cả về kinh tế, văn hóa, xã hội trong suốt nhiều năm. Bởi mùa khô thì đất đai nứt nẻ vì nắng nóng thiêu đốt, mùa mưa thì nước lũ tràn về mênh mông, cả một vùng nước dâng trắng xóa ngút ngàn đến tận chân trời. Dẫu vậy, vẫn có những đoàn người từ khắp nơi đổ về khai hoang, lập nghiệp, chống chọi với thiên nhiên, nỗ lực đánh thức tiềm năng vùng đất mới.
Có đến Đồng Tháp Mười vào mùa lũ mới hiểu được niềm vui và nỗi khổ của người dân ở đây suốt hàng thế kỷ qua. Nước lũ về, cá tôm cũng theo dòng nước lũ lượt kéo về, việc kiếm miếng ăn không thể nào dễ dàng hơn. Cũng nhờ nước lũ về mà những cánh đồng được thau chua rửa mặn, bổ sung lượng phù sa màu mỡ – nguồn dinh dưỡng bất tận để mang lại những mùa vàng bội thu.
Nhưng cũng vì nước lũ tràn về mà đời sống người dân ở đây suốt nhiều thế kỷ qua chưa bao giờ được ổn định. Mọi thứ xáo trộn, từ nền nếp sinh hoạt của mỗi gia đình, chuyện học hành của trẻ nhỏ cho tới việc sinh kế của người lớn. Vì năm nào cũng có lũ nên chẳng ai muốn đầu tư vào nhà cửa, không nhiều người có thói quen tích lũy vật chất, của cải.
Mùa mưa lũ, thuyền đánh cá nhiều khi gặp giông lốc bất ngờ khiến nhiều người thiệt mạng, rủi ro thay lại không có đất để mai táng, người ta phải đặt tạm quan tài trên những thân cây cao vượt trên mặt nước, chờ khi lũ rút mới đưa đi chôn…
Thế nhưng, từ khi chương trình “sống chung với lũ” được triển khai với hàng loạt công trình, dự án phát triển hạ tầng, bộ mặt của vùng Đồng Tháp Mười đã thay đổi hẳn. Cuộc sống không còn quá phụ thuộc vào thiên nhiên. Họ có thể chủ động xây dựng cuộc sống theo ý mình. Nhiều làng mạc trù phú đã hình thành chỉ trong thời gian ngắn. Để giờ đây, vùng đất ấy trở nên giàu có và đẹp đến không ngờ.
“Khung cảnh đồng quê thanh bình xanh ngát với dòng sông xanh thẳm lững lờ, những cánh cò trắng lấp lóa trong ánh vàng hoàng hôn buông tơ, những con người chân quê hồn hậu thân thiện”, đó là ấn tượng sâu đậm đối với ông Richard Groux (thành phố Red Deer, bang Alberta, Canada), khi ông tham gia tour du xuân Đồng Tháp Mười dịp đầu Xuân 2019. Chúng tôi đến huyện Tân Phước – huyện duy nhất của tỉnh Tiền Giang nằm trong vùng Đồng Tháp Mười. Vốn là vùng đất “khó”, nhiễm phèn nặng, nơi này hiện đã trở thành vùng chuyên canh dứa nguyên liệu rộng hơn 16.000 ha, mỗi năm đạt sản lượng gần 300.000 tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và chế biến xuất khẩu, giúp bà con mới lập nghiệp sớm ổn định cuộc sống.
Chúng tôi gặp chị Phạm Thị Mai, ngụ tại xã Thạnh Mỹ. Những năm 80 của thế kỷ XX, vợ chồng chị làm công nhân lâm trường Trương Văn Sanh. Lâm trường giải thể, chị nhận khoán 1,5 ha đất khai hoang trồng dứa. Nhờ trồng dứa hiệu quả, gia đình chị mua thêm 8,5 ha. Với sản lượng thu hoạch trung bình mỗi năm 200 tấn dứa quả, gia đình chị có thu nhập không dưới 500 triệu đồng, có của ăn của để, trở thành “triệu phú miệt Đồng Tháp Mười”.
Với những con người cần cù và giỏi giang như vậy, nên hiện giờ Tân Phước trở thành vùng nông thôn giàu có, đường sá, cơ sở vật chất hạ tầng đầy đủ, đáp ứng mọi mặt cuộc sống người dân, thúc đẩy giao thương, buôn bán, phát triển kinh tế – văn hóa, giáo dục trên vùng đất mới.
…Và mùa xuân bất tận
Tam Nông vốn là huyện nghèo của tỉnh Đồng Tháp. Nhưng trong vòng 10 năm trở lại đây, vùng đất nghèo này đã thay da đổi thịt. Vườn quốc gia Tràm Chim hình thành, được coi là nhân tố quan trọng để thúc đẩy kinh tế – văn hóa của huyện phát triển theo hướng mới: Kết hợp giữa bảo tồn thiên nhiên với hoạt động du lịch sinh thái – văn hóa. Mỗi năm, khu du lịch chào đón hàng trăm ngàn lượt du khách. Không chỉ mang lại nguồn thu đáng kể cho địa phương, mà khu du lịch rộng hơn 7.300 ha này còn tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, phát triển các loại hình dịch vụ đa dạng.
Sau hơn 8 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Tam Nông đã có 3 xã Phú Cường, An Hòa và Hòa Bình được tỉnh Đồng Tháp công nhận đạt danh hiệu xã nông thôn mới. Huyện đang tiếp tục chọn 3 xã điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 là Phú Thọ, Phú Đức và Tân Công Sính. Mỗi xã điểm đã thực hiện đạt 16, 17 tiêu chí. 5 xã còn lại: An Long, Phú Hiệp, Phú Ninh, Phú Thành A và Phú Thành B đạt từ 14 tiêu chí trở lên. Hầu hết người dân trong huyện đều đồng thuận hưởng ứng chủ trương này.
Đồng Tháp Mười
Điểm đặc biệt của chương trình xây dựng nông thôn mới ở đây là tại các xã, thị trấn còn hình thành nhiều hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Nổi bật là mô hình tích tụ ruộng đất, việc thực hiện cánh đồng lớn và liên kết với các doanh nghiệp từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm lúa gạo và đang thực hiện đúng hướng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp.
Vùng Đồng Tháp Mười thuộc địa bàn ba tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang. Đây là vùng đất ngập nước có diện tích tự nhiên hơn 697.000 ha (khoảng 7.000 km2), chiếm 17,7% diện tích tự nhiên của vùng ĐBSCL.
Để liên kết vùng Đồng Tháp Mười phát triển bền vững, mới đây lãnh đạo 3 tỉnh: Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang đã thống nhất triển khai đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, mục tiêu nhằm tăng nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, tiên tiến, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Sự phát triển tiểu vùng có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông, thủy sản; nguồn nước cho các địa phương trong vùng. Đồng thời tạo sự thống nhất trong liên kết quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của 3 tỉnh; quản lý tài nguyên bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế; khai thác hợp lý tiềm năng và thế mạnh của tiểu vùng.
Trọng tâm của liên kết thông qua phát triển hệ thống chuỗi giá trị ngành hàng nông sản đặc trưng cho 3 sản phẩm lúa gạo, trái cây, thủy sản và có thương hiệu; phát triển dịch vụ và kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội có liên quan. Bên cạnh đó, bảo tồn và khai thác hợp lý đa dạng sinh học, hệ sinh thái đất ngập nước và rừng tràm, thông qua quy hoạch hệ sinh thái rừng tràm Đồng Tháp Mười, trữ nước ngọt và phát huy giá trị dịch vụ hệ sinh thái.
Các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp bền vững ở vùng Đồng Tháp Mười bước đầu đã đạt được nhiều kết quả khả quan, hiệu quả sản xuất nông nghiệp tăng cao, đời sống người dân càng được nâng lên. Từ đó góp phần đưa vùng đất trũng của ĐBSCL cất cánh vươn lên.
Phản hồi gần đây