Góp phần đẩy lùi dịch Covid-19 không có gì là to tát. Nó chỉ cần là điều nhỏ nhặt, đơn giản như tự nguyện cách ly, cho đi chiếc khẩu trang, biến rửa tay thành điệu nhảy gây sốt.
Sở hữu giai điệu bắt tai cùng ca từ dễ nhớ, ca khúc tuyên truyền chống dịch Covid-19 của Việt Nam bất ngờ phủ sóng khắp mạng xã hội, khiến truyền thông thế giới hết lời tán dương. Vũ điệu rửa tay gắn với bài hát này cũng nhanh chóng trở thành trào lưu nhảy gây sốt.
Nhiều du học sinh, người lao động trở về từ vùng có dịch Covid-19 ở nước ngoài nghiêm túc khai báo với chính quyền, tự nguyện vào trong khu cách ly ở 14 ngày để đề phòng nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng. Tại đây, họ chia sẻ về hành trình cách ly với thái độ lạc quan, vui vẻ.
Hàng loạt điểm phát khẩu trang miễn phí được dựng lên. Nhiều người lớn, em nhỏ bỏ tiền túi ra mua tặng người xung quanh hàng nghìn chiếc khẩu trang phòng dịch.
Những câu chuyện dễ thương, ấm lòng như thế không hiếm gặp kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam. Nhìn vào đó, chúng ta mới thấm thía câu nói: Sự tử tế đến từ những việc thật đơn giản, dễ thương như thế.
Cơn bão “Ghen cô Vy”
Ghen cô Vy – được viết lại lời trên nền nhạc của hit Ghen (Min – Erik) – là sản phẩm tuyên truyền chống dịch Covid-19 do Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (thuộc Bộ Y tế) đặt hàng nhạc sĩ Khắc Hưng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn kết hợp với vũ công Quang Đăng tạo ra vũ điệu rửa tay vui mắt, dễ nhớ.
Ngay từ khi ra mắt, dân mạng Việt đã dành cho Ghen cô Vy nhiều phản ứng tích cực, dễ thấy nhất là trào lưu dance cover vũ điệu rửa tay được lan tỏa trên mạng xã hội.
Ca khúc Ghen cô Vy trở thành cơn sốt giữa dịch Covid-19. Ảnh cắt từ clip. |
Ghen cô Vy không chỉ có ảnh hưởng ở Việt Nam, mà còn trở thành cơn sốt trên toàn thế giới sau khi John Oliver – MC, nhà sản xuất nổi tiếng người Anh từng giành 16 giải Emmy trong sự nghiệp làm truyền hình – dành lời tán dương ca khúc trong Talkshow Last Week Tonight phát sóng trên kênh HBO.
Khi giai điệu vừa dứt, Oliver liên tục thốt lên “Tuyệt, tuyệt, tuyệt” và nhận xét đây là phương pháp tuyên truyền phòng dịch “đáng kinh ngạc” của Việt Nam.
Bên cạnh đó, MC nổi tiếng cũng dành lời khen ngợi cho vũ điệu rửa tay của Quang Đăng, thậm chí nhảy theo đầy phấn khích.
Sau HBO, lần lượt tạp chí âm nhạc Billboard (Mỹ), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), đài SBS (Hàn Quốc)… cùng hàng loạt trang báo quốc tế như AP, BBC đồng loạt đưa tin về cơn bão Ghen cô Vy cùng vũ đạo #ghencovychallenge (hay còn gọi là #vudieuruatay).
“Vui nhộn”, “bắt tai”, “có thể quanh quẩn trong đầu bạn nhiều ngày” là một số lời nhận xét từ truyền thông nước ngoài. Trong đó, đài truyền hình Pháp tỏ ra kinh ngạc với cách tuyên truyền sáng tạo của “đất nước 95 triệu dân với 16 ca nhiễm nhưng đều đã được chữa khỏi”.
Show truyền hình nổi tiếng của Mỹ khen ngợi ca khúc Ghen cô Vy và nhận xét đây là phương pháp tuyên truyền phòng dịch “đáng kinh ngạc” của Việt Nam. Ảnh cắt từ clip. |
Những ngày qua, những câu hát vừa dễ nhớ, vừa thiết thực: “Cùng rửa tay xoa xoa xoa xoa đều/ Đừng cho tay lên mắt mũi miệng/ Và hạn chế đi ra nơi đông người/ Đẩy lùi virus corona corona”… liên tục vang lên khắp nơi.
Trước sự lan tỏa của bài hát tuyên truyền cũng như vũ điệu rửa tay, Quang Đăng trả lời phỏng vấn tạp chí Billboard: “Tôi muốn sử dụng ngôn ngữ của mình để lan tỏa thông điệp đúng đắn về cuộc chiến chống dịch Covid-19 đến càng nhiều người càng tốt, đặc biệt là tới giới trẻ – những người thường gặp phải những luồng thông tin sai lệch”.
Vốn dĩ những thông tin tuyên truyền thường dễ bị bỏ qua. Nhưng Ghen cô Vy cùng vũ điệu rửa tay thì khác – được đông đảo người dân đón nhận, khen ngợi nhờ cả phần tiếng lẫn phần hình đều thu hút.
Hành trình cách ly “không đáng sợ như mọi người vẫn tưởng”
Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Y tế ngày 29/2 yêu cầu các tỉnh, thành thực hiện nghiêm túc việc cách ly y tế đối với người nhập cảnh từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy và Iran.
Trên mạng xã hội, nhiều bài đăng kể về hành trình cách ly của các du học sinh, người lao động Việt trở về từ các vùng dịch ở nước ngoài luôn gây chú ý, tò mò cho đám đông.
Điểm chung dễ thấy nhất ở những chia sẻ này là nơi ở sạch sẽ, đủ tiện nghi cơ bản, đồ ăn được phục vụ đầy đủ, nhân viên y tế tận tình, chu đáo.
Thậm chí, có những người không được yêu cầu cách ly nhưng cũng tự nguyện làm vậy để bảo vệ bản thân và tránh nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.
Hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất tối 26/2, Thuỳ Dung (sinh năm 1992) – đang theo học chương trình thạc sĩ Luật quốc tế, Đại học Hanyang ở Seoul, Hàn Quốc – được nghỉ ngơi trong khu nhập cảnh và được đưa về khu cách ly tập trung ở quận 3, TP.HCM 2h sáng 27/2.
Những sợ hãi, lo lắng ban đầu về hành trình cách ly của Dung nhanh chóng tan biến.
Căn phòng Dung ở trong khu cách ly có 3 giường rất sạch sẽ, có tivi, Wi-Fi, phòng vệ sinh khép kín. Hàng ngày, cô được phục vụ 3 bữa cơm và có thể gọi đồ ăn bên ngoài.
Điều khiến Dung ấn tượng nhất trong những ngày ở khu cách ly tập trung là các nhân viên y tế rất dịu dàng, điềm đạm và thân thiện. Trên quãng đường di chuyển về khu cách ly, họ luôn nói lời xin lỗi người dân nếu có gì bất tiện và động viên mọi người chịu khó vượt qua giai đoạn dịch bệnh này.
“Mình bị cách ly mà như không cách ly. Mình được mọi người quan tâm, hỏi han tình hình sức khoẻ. Không chỉ được cung cấp đủ điều kiện vật chất, mình còn được các y bác sĩ tại đây thăm khám sức khoẻ và yêu cầu tự đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Đặc biệt, được hít thở bầu không khí trong lành, thoải mái tinh thần và an tâm vì mình được bảo vệ”, cô nói.
Những hình ảnh trong nơi cách ly được du học sinh từ Hàn Quốc trở về chia sẻ. Ảnh: NVCC. |
Còn với Lê Quỳnh Như (sinh năm 1996, sinh viên Đại học Hanyang) hành trình từ Hàn Quốc về Việt Nam “giống như về quê ăn Tết chứ không phải đi tránh dịch”, cô nói với Zing.vn.
Sáng 29/2, Quỳnh Như về đến sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi kê khai thông tin, nữ sinh được nhân viên phụ trách đến đón về Trung tâm y tế quận 11 (TP.HCM) bằng xe cấp cứu.
“Mọi thứ trong khu cách ly khiến mình rất ấn tượng và cảm động về sự chu đáo. Giường gối đều rất sạch sẽ. Bệnh viện còn chuẩn bị sẵn cho mình khăn tắm, bàn chải, kem đánh răng, khẩu trang, khăn giấy, bao tay, nước rửa tay… Thêm nữa, phòng mình ở có ban công và view ngắm hoàng hôn thành phố”, Quỳnh Như chia sẻ.
Điều khiến Quỳnh Như ấn tượng và thích nhất ở khu cách ly là có Wi-Fi miễn phí, đặc biệt luôn có người hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp.
3 ngày ở trong khu cách ly, cô được phục vụ 3 bữa/ngày với thực đơn tự chọn. Nếu muốn ăn uống gì thêm, mọi người chỉ cần báo cho nhân viên y tế là được phục vụ tận nơi.
Dù tham gia chương trình trao đổi sinh viên với một trường đại học tại Nam Ninh (Trung Quốc) và đã trở về Việt Nam cách đây 2 tháng, Huỳnh Nguyễn Thiên Vương (sống tại Đà Nẵng) – sinh viên ngành Sư phạm – vẫn chủ động xin vào khu cách ly của Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Đà Nẵng.
Trước đó, Vương bị ho, sốt cao 40 độ, cộng thêm việc từng tiếp xúc một số người Trung Quốc, Hàn Quốc.
“Sạch sẽ, thoải mái, đủ tiện nghi” là những mô tả của 10X về nơi ở trong khu cách ly.
“Sáng sau khi ngủ dậy sẽ có bác sĩ giúp đem đồ ăn và thuốc dùng trong ngày vào cho. Các bữa ăn tiếp theo vào 12h và 17h. Mình ở bên bệnh viện Phổi nên được tùy chọn đồ ăn, muốn ăn gì sẽ nhắn vào nhóm chat của bệnh viện, tự lo chi phí và được bác sĩ đi mua giúp”, Thiên Vương kể với Zing.vn.
Ngoài ra, người nhà cũng có thể gửi đồ dùng, thức ăn vào cho người trong khu cách ly vào các khung giờ 7h, 10h, 16h. Mỗi ngày, bác sĩ sẽ tới kiểm tra sức khỏe vào 8-9h và 18-19h. Công tác dọn vệ sinh tại các phòng cũng được thực hiện 2 lần/ngày.
Các bác sĩ ở đây rất nhiệt tình, trò chuyện vui vẻ và dịu dàng. Phòng ốc khu cách ly rất sạch sẽ và đủ tiện nghi cơ bản, luôn có nước rửa tay sát khuẩn tại các phòng.
Đến sáng 27/2, Vương được xuất viện sau khi sức khỏe trở lại bình thường và các kết quả kiểm tra đều cho thấy âm tính với virus corona. Cậu chia sẻ sau khi ra viện, điều mong mỏi duy nhất là không bị mọi người xung quanh xa lánh hay hiểu sai về tình trạng sức khỏe.
Phát tặng khẩu trang miễn phí
Những ngày cuối tháng 1, khẩu trang trở thành mặt hàng hot trên thị trường do nhu cầu mua của người dân tăng cao nhằm đối phó dịch Covid-19 vừa bùng phát.
Trong khi giá khẩu trang thay đổi liên tục, vẫn có nhiều cá nhân, tập thể, cơ sở kinh doanh trên khắp cả nước chia sẻ miễn phí vật dụng này để người dân có thể sử dụng.
Bắt đầu từ việc các nhà thuốc, công ty bố trí quầy phát hàng nghìn chiếc khẩu trang miễn phí. Từ Hà Nội, Hải Dương, Đà Nẵng, Huế đến TP.HCM… đều có những hình ảnh đẹp như vậy được ghi lại và lan tỏa trên mạng xã hội.
Nhiều cá nhân cũng sẵn sàng bỏ tiền túi ra mua và phát tặng khẩu trang cho mọi người.
Andy Đào Nguyên (12 tuổi, TP.HCM) là một trong số đó.
Thấy nhiều hiệu thuốc hết sạch hàng để bán, Andy đã chủ động đưa cho mẹ 10 triệu đồng tiền lì xì Tết, nhờ mua khẩu trang để tặng cho mọi người.
Suốt nhiều ngày, cậu bé 12 tuổi đứng phát khẩu trang trên đường Lý Tự Trọng (quận 1, TP.HCM). Khi đi phát đồ, em cũng đeo găng tay và khẩu trang y tế.
“Con rất vui khi khẩu trang được tặng tới tận tay cho mọi người. Dịch cúm này tuy chưa lây lan quá rộng nhưng rất nguy hiểm. Con mong món quà nhỏ của mình sẽ giúp nhiều người phòng tránh bệnh hơn”, Andy Đào Nguyên nói với Zing.vn.
Chị Nguyễn Thị Diễm Hằng – mẹ Andy- tự hào nói về con trai: “Điều làm mình vui nhất là giúp con trai học được cách sẻ chia, biết yêu thương mọi người”.
Hành động được bắt đầu từ suy nghĩ và đề xuất của con trai khiến chị biết mình cần học cách sẻ chia và giúp đỡ cộng đồng nhiều hơn.
Những cá nhân, tập thể phát khẩu trang miễn phí cho người đi đường khiến dân mạng cảm kích, khen ngợi. Ảnh: NVCC, Nguyễn An Vịnh. |
Tương tự, những con người với hành động đẹp như thế nhận được nhiều lời khen ngợi của dân mạng trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.
Đó là cầu thủ Trần Minh Vương – CLB HAGL – cùng nhóm bạn đã tổ chức phát khẩu trang miễn phí cho người dân tại thành phố Pleiku (Gia Lai).
Hay PGS-TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – đến từng phòng trong ký túc xá hỏi thăm sức khoẻ, phát khẩu trang và lì xì cho sinh viên chiều 3/2.
Hay một thanh niên mang những bịch khẩu trang nhỏ tặng những người đi đường đang dừng xe chờ đèn đỏ tại quận 3, TP.HCM chiều 31/1.
Và đôi uyên ương phát khẩu trang trên phố ở Hà Nội đúng vào hôm đi chụp ảnh cưới. Trước đó, họ đã tới 20 hiệu thuốc trên địa bàn Hà Nội để mua đủ 2.000 chiếc khẩu trang trong bối cảnh mặt hàng này đang khan hiếm.
Bởi thế, góp phần đẩy lùi dịch bệnh không có gì là cao siêu hay to tát. Nó chỉ cần là một điều nhỏ nhặt, đơn giản như rửa tay đúng cách, tự nguyện cách ly hay cho đi chiếc khẩu trang cho ai đó cần.
Người văn minh, tử tế giữa mùa dịch cũng có thể là bất cứ ai, từ cầu thủ nổi tiếng, học sinh tới những người lái xe bình thường.
Giữa mùa dịch, một tiếng ho, hắt hơi cũng đủ nhận về sự lảng tránh, kỳ thị, thậm chí bạo lực như ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng với những cách phòng tránh dễ thương cùng hành động tử tế của mỗi người lại được nhân lên, lan tỏa ra cả xã hội.
Phản hồi gần đây