Gần 30 năm qua, Quảng Bình có hơn 300 hang động được phát hiện và khám phá nhưng chủ yếu là hang khô và hang có sông ngầm.
Nước ngầm trong động Tú Làn
Chưa có sự khảo sát các hang ngầm, sông ngầm bên dưới lòng đất, bên dưới các hang động. Bước ngoặt sẽ mở ra khi các chuyên gia lặn hàng đầu thế giới đến Quảng Bình lặn thám hiểm sông ngầm trong động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng.
Phác họa khu vực lặn thám hiểm trong động Sơn Đoòng
ẢNH: OXALIS
Năm 1990, nhóm thám hiểm hang động người Anh (thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh – BCRA) do Howard Limbert dẫn đầu đã đến Quảng Bình, nơi có hệ thống núi đá vôi khổng lồ nhưng chưa ai khám phá hang động. Từ đó đến nay, Howard Limbert và các cộng sự đã khám phá, công bố tổng cộng hơn 200 km hang động tại Quảng Bình, chủ yếu tại Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (VQG PN-KB). Trong đó, hệ thống Phong Nha gồm có hang Én, Sơn Đoòng, Thung, Va, Nước Nứt, Phong Nha… là 1 trong 4 hệ thống lớn.
Hang động Sơn Đoòng: Bí ẩn “thế giới ngầm”
Năm 1994, khi khám phá hang Én và hang Thung, các chuyên gia BCRA phát hiện có một sông ngầm lớn chảy qua hang Én rồi biến mất dưới lòng đất, sau đó xuất hiện trở lại trong hang Thung. Vùng đất giữa 2 hang động này cách nhau khoảng vài cây số.
Hang Én và hang Thung đều là 2 hang động chứa sông ngầm lớn, vì vậy các chuyên gia tiên đoán có một hang động cực kỳ lớn ở giữa khu vực này. Mãi đến năm 2009, nhờ người dẫn đường Hồ Khanh, đoàn thám hiểm hang động Anh phát hiện rất nhiều lối vào động Sơn Đoòng.
Năm 2010, các hoạt động thám hiểm và nghiên cứu hang động hoàn tất, và Sơn Đoòng được xác lập là hang động lớn nhất thế giới với chiều dài gần 9 km, hoàn toàn vượt qua hang Deer của Malaysia. Các cột thạch nhũ cao đến 80 m của hang cũng được đánh giá “cao nhất từng được thấy”.
Chương trình du lịch, thám hiểm Sơn Đoòng khởi động năm 2013 bởi Công ty Oxalis. Các nhà thám hiểm người Anh được mời làm chuyên gia an toàn cho Oxalis, trong đó ông Howard Limbert (trưởng nhóm thám hiểm BCRA tại VN) đảm nhiệm vị trí giám đốc kỹ thuật.
Bên trong hang Én có dòng sông ngầm
ẢNH: T.Q.NAM
Giờ đây, thành viên BCRA và Oxalis nghĩ rằng bên dưới mặt nước trong các hang động ở Quảng Bình có thể ẩn chứa bao điều kỳ lạ, mới mẻ và nhiều giá trị khoa học. Nhiều giả thuyết đang thôi thúc họ khám phá.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, ông Howard cho rằng hệ thống hang động ở đây còn rất nhiều, hiện chỉ mới khám phá chừng 25%. “Chúng tôi có bản đồ các khe nứt và tin rằng còn nhiều hang động, như ở khu vực nước Moọc, hang Tối. Và các sông ngầm đầy bí ẩn nữa”, ông nói.
PV Thanh Niên có cơ hội khảo sát, khám phá nhiều hang động nổi tiếng tại Quảng Bình như Thiên Đường, Tú Làn hay xuyên động Sơn Đoòng… và cảm nhận rằng, từng hang động lộ thiên tách rời nhau ở trên bề mặt nhưng dưới lòng đất thì lại có sự kết nối. Vì một số con sông, hung (cách gọi ao hồ hay dòng chảy trong thung lũng) nước bất ngờ… biến mất dưới chân núi, trong khi có những mỏ nước bỗng nhiên “trồi” lên như ở suối Nước Moọc. Nói một cách đơn giản, bên dưới hoang mạc đá vôi khổng lồ PN-KB là cả mạng lưới “giao thông” dày đặc.
Ông Hồ Khanh, người dẫn đường nổi tiếng ở Sơn Đoòng, quả quyết: “Hệ thống núi đá vôi ở Quảng Bình rất lớn, nên chắc chắn có nhiều bí ẩn chưa lộ diện. Rất có thể có nhiều hang động lớn và sông ngầm nhưng chưa phát hiện cửa vào thôi. Còn tại khu vực lặn khảo sát tới đây trong động Sơn Đoòng, với thiết bị chuyên dụng và các chuyên gia lặn hàng đầu thế giới, hy vọng sẽ tìm ra một lối ngầm bên dưới nước thông đến hang động khác”.
Trong khi đó, một số nhà thám hiểm hang động của BCRA tại VN dù từng lặn thám hiểm một số điểm nhưng chưa gặt hái nhiều kết quả, vì bí ẩn vẫn đang bao trùm. Như tại điểm nước bỗng nhiên trồi lên ở suối Nước Moọc, ngay chuyên gia BCRA từng lặn sâu 45 m như Martin Holroyd nhưng vẫn chưa đến điểm nối vào hang ngầm. Tất cả do áp lực dòng chảy và thiếu thiết bị chuyên dụng, nên không thể lặn sâu hơn.
Thử thách tuyệt vời
Tháng 6.2018, ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Công ty Oxalis, cùng ông Howard Limbert đến Thái Lan để hỗ trợ hành trình giải cứu đội bóng nhí Heo Rừng kẹt trong hang Tham Luang. Cũng từ đó, ý tưởng cho hành trình thám hiểm “thế giới ngầm” dưới lòng hang động Quảng Bình hình thành.
Trở về từ Thái Lan, ông Howard, ông Á và Martin Holroyd lên kế hoạch mời các chuyên gia hàng đầu thám hiểm con sông ngầm cuối cùng trong động Sơn Đoòng.
“Thử thách này được đánh giá là đặc biệt và tuyệt vời. Liệu có xảy ra sự kết nối giữa hang Sơn Đoòng và hang Thung – một hang động khá lớn được phát hiện vào năm 1994, cách hang Sơn Đoòng khoảng 600 m hay không? Nếu chuyến thám hiểm chứng minh được có sự liên kết vật lý giữa 2 hang động này, thì Sơn Đoòng sẽ củng cố ngôi vị lớn nhất thế giới, là hang động lớn nhất thế giới xét theo cả kích thước và thể tích”, ông Á chia sẻ.
Cuộc thám hiểm còn mở ra cơ hội khám phá mới cho các nhà thám hiểm chuyên nghiệp tiếp cận những bí ẩn nằm sâu bên dưới các dòng sông ngầm chưa từng được khảo sát. Các phát hiện mới cùng thông tin về địa chất, địa mạo bên trong các hệ thống hang động… cũng đang chờ có dịp được công bố.
Trong gần 30 năm thám hiểm các hang động ở Quảng Bình, các chuyên gia BCRA tại VN cũng đã thử lặn ở một số hang nước, nhưng với tần suất chưa nhiều. Việc mời các chuyên gia lặn hang động giỏi nhất thế giới đến thám hiểm sông ngầm bên dưới hang Sơn Đoòng mở ra các cơ hội lớn để khám phá những điều mới lạ đang còn ẩn giấu. Hành trình thám hiểm luôn khó xác định và còn phải chờ chuyến trở về của các chuyên gia. Tuy nhiên, với kinh nghiệm tích lũy cộng với trang thiết bị chuyên dụng đặc biệt, cơ hội để chứng minh sự liên kết giữa các hang động này là khá lớn. Rất nhiều bất ngờ thú vị từ “thế giới ngầm” đang chờ được lộ diện.
Phản hồi gần đây