Qua các nghiên cứu của mình, nhóm nhà khoa học đến từ Đại học Hong Kong phát hiện ra rằng việc ngủ quá ít sẽ khiến khả năng tự sửa chữa của ADN giảm xuống đáng kể và dẫn tới việc mắc các bệnh di truyền.
Nhóm nghiên cứu tin rằng đây là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra được ảnh hưởng của sự thiếu ngủ đối với những người trẻ tuổi.
Thông thường, khoảng thời gian lý tưởng dành cho việc ngủ của một người lớn mỗi đêm là 7 tiếng đồng hồ, tuy nhiên các số liệu thống kê chỉ ra rằng chúng ta thường ngủ ít hơn số đó khoảng từ 1 – 2 giờ.
Nghiên cứu được tiến hành tập trung vào đối tượng là các bác sĩ thường hay phải trực và làm việc cường độ cao vào ban đêm.
Các nhà khoa học đã tiến hành lấy mẫu máu của tất cả những bác sĩ tham gia nghiên cứu vào các thời điểm khác nhau, một là lúc họ được nghỉ ngơi đầy đủ ít nhất 3 đêm, và mẫu còn lại được lấy vào buổi sáng ngay sau khi họ vừa phải trực ca đêm.
Các phát hiện được công bố trên tạp chí Y khoa cho thấy ADN của các bác sĩ làm ca đêm đã bị phá hủy nhiều hơn 30% so với những người được nghỉ ngơi đầy đủ. Hơn thế nữa, lượng ADN bị ảnh hưởng sẽ tăng thêm 25% sau một đêm thiếu ngủ hoàn toàn.
Việc sửa chữa ADN trong cơ thể cũng sẽ bị giảm đi đáng kể ở những người không được ngủ đủ giấc. Điều này sẽ khiến các tế bào bị phá hủy.
Thiếu ngủ ở những người làm việc theo ca có liên quan đến những hậu quả bất lợi cho sức khỏe của họ, khiến nguy cơ mắc các bệnh mãn tính trở nên cao hơn so với người bình thường.
Nghiên cứu được tiến hành với mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về tầm quan trọng của việc ngủ đủ giấc. Các nhà khoa học cũng đưa ra khuyến nghị về thời lượng của giấc ngủ đối với các nhóm tuổi khác nhau.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết một người trưởng thành trong khoảng từ 18 – 60 tuổi nên ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm. Giấc ngủ kém thường xuyên khiến bạn có nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng, bao gồm béo phì, bệnh tim và tiểu đường. Đồng thời, thiếu ngủ cũng chính là một trong những tác nhân khiến tuổi thọ của bạn bị rút ngắn và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư.
Phản hồi gần đây