Tại các khu nghỉ dưỡng thuộc tỉnh Gangwon-do (Hàn Quốc), ngoài tuyết tự nhiên, những người kinh doanh du lịch còn phun thêm tuyết nhân tạo để đảm bảo khách vui chơi thoải mái cả ngày.
Giá lạnh âm 6 độ C ở Seoul, tuyết bay nhẹ
Hàn Quốc những ngày đông tháng 12, khi chiếc lá vàng đỏ của ngân hạnh, anh đào, phong, đã rụng và biến màu cũng là lúc nhiệt độ xuống dần ở mức dưới 0 độ C. Khắp nơi không còn cảnh đỏ rực như dịp giữa tháng 11 trước đó. Tuyết bắt đầu rơi lác đác, tôi đặt chân đến theo hành trình ba địa danh Incheon, Gangwon-do và Seoul để trải nghiệm mùa đông xứ Kim Chi. Những mong mỏi về việc được ngắm cảnh tuyết bay vào người giữa thành phố trong tôi cứ trào lên sự háo hức.
Đặt chân xuống sân bay Incheon và ngủ tại thành phố này 2 đêm, nghe tin tại Seoul chỉ cách chưa đầy 40 km tuyết đang rơi mà lòng bồi hồi. Nếu như với người dân xứ lạnh, tuyết là nỗi sợ hãi, ám ảnh vì ảnh hưởng đến cuộc sống của họ thì đối với du khách đến từ các quốc gia không có mùa đông tuyết là điều lạ lẫm, là thứ cần trải nghiệm để biết nó như thế nào. Ngay cả cái lạnh buốt giá âm chục độ C cũng là điều khá gây tò mò trong tôi.
Cảnh giá lạnh ở ngoài đường thành phố Seoul. |
Seoul nằm ở phía tây bắc Hàn Quốc, với diện tích đất đai ước tính khoảng 605,52 km2. Thành phố này được bao quanh bởi 8 ngọn núi và các vùng đất của đồng bằng sông Hàn.
Khi tôi đặt chân tới thủ đô của xứ Kim Chi cũng là lúc những luồng không khí lạnh từ âm 3 đến âm 6 độ C bao phủ thành phố. Đường vẫn đông phương tiện qua lại, mưa tuyết có rơi nhưng hạt bé li ti, khi xuống đến mặt đất tan thành nước một cách nhanh chóng. Hàn Quốc luôn luôn rất lạnh vào mùa đông, nhiệt độ không tăng giảm quá thất thường như ở Hà Nội, nền nhiệt cao nhất chỉ khoảng 6 độ C. Nhiều khi tôi cứ tự tìm cảm giác xem cái rét nơi này có khác ở Việt Nam không mà không thấy vấn đề gì đáng kể. Có lúc vẫn thấy dễ chịu. Trước đó được cảnh báo âm 10 độ C, khủng khiếp lắm, tôi đã mang đầy một vali quần áo mùa đông rồi thấy mình cẩn thận quá mức cần thiết, mặc chẳng hết. Chỉ có đôi tay là thường xuyên bị buốt khi hoạt động ngoài trời. Những khi di chuyển bằng xe bus, tàu điện ngầm hay vào trong nhà như khách sạn đương nhiên là rất ấm, đến mức quên mất rằng bên ngoài đang là mùa đông.
Nhiệt độ âm 6 độ C, ra ngoài đường nếu không đi găng tay để tiện hoạt động thì chỉ một lát sau bạn sẽ cảm thấy bị cóng đến mức cứng đờ, sờ vào đá tủ lạnh cũng không thể buốt bằng. Nhiều thời điểm, tôi đeo găng rồi vẫn thấy cái lạnh len lỏi chui vào trong từng ngón tay.
Dạo một vòng quanh các con phố thuộc khu Dongdaemun (Seoul), khá nhiều cảnh người dân đi bộ trên vỉa hè co ro cúm rúm trong những chiếc áo khoác trùm đầu dày cộp, miệng thổi ra hơi. Hình ảnh này Hà Nội đã vắng trong nhiều mùa đông gần đây khi đợt rét nhất chỉ 11 độ C.
Gangwon-do – vùng trượt tuyết nổi tiếng nhất Hàn Quốc
Người dân Hàn Quốc nói muốn chơi các trò chơi trên tuyết, được giẫm lên các lớp tuyết dày du khách phải tới Pyeong Chang, tỉnh Gangwon-do. Nơi này từng tổ chức Thế vận hội mùa đông 2018.
Sở hữu khung cảnh tuyết phủ trắng xoá, Gangwon-do từ lâu trở thành kinh đô thể thao mùa đông. Bởi thế mà huyện Pyeong Chang thuộc tỉnh này từng là địa điểm đăng cai Olympic mùa đông 2018. Ở đây có dãy núi Baekdudaegan trải dài từ bắc đến nam, cây cối xum xuê, vùng sông nước sạch tinh khôi bao quanh 18 thành phố và thị trấn tươi đẹp. Nhờ gió mùa đông ẩm thổi qua dãy núi Taebaeksan, nơi đây có nhiều tuyết hơn các khu vực khác. Các vùng đất sườn núi và chân núi đều được các nhà đầu tư đổ về xây khu nghỉ dưỡng kèm sân trượt tuyết.
Nét độc đáo ở các khu nghỉ dưỡng thuộc Gangwon-do là ngoài tuyết tự nhiên còn có cả tuyết nhân tạo. Trong tiết trời từ âm 4 đến âm 9 độ C, những chiếc máy phun tuyết hoạt động liên tục giúp du khách yên tâm chơi các trò chơi của mùa đông cả ngày lẫn đêm.
Pyeong Chang không chỉ có dốc trượt tuyết, khách sạn, sân khấu biểu diễn mà còn sở hữu nhiều đường xe đạp leo núi và các tiện nghi khác. Các dốc trượt tuyết được thiết kế cho nhiều đối tượng khách, từ người mới bắt đầu, người chơi trình độ trung bình đến giỏi. Ngay cả các gia đình người Hàn Quốc từ nhiều tỉnh, thành phố cũng đổ về đây dịp cuối tuần.
Máy phun tuyết nhân tạo hoạt động cả ngày. |
Dốc trượt tuyết tiêu chuẩn quốc tế
Theo Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, xứ sở Kim Chi có nhiều dốc trượt được Liên đoàn Trượt tuyết Quốc tế (FSI) cấp giấy chứng nhận. Có dốc cho người mới bắt đầu chơi và người chơi giỏi như Challenger 88 được FSI chứng nhận và 8 thang máy (cáp treo) vận chuyển được 15.200 người trong một giờ. Bears Town là khu nghỉ lớn nhất được giấy chứng nhận ISO đầu tiên của ngành du lịch ở Hàn Quốc với nhiều tiện nghi giải trí khác như đường dốc cho xe trượt tuyết, bể bơi ngoài trời, máng trượt cỏ.
Một trong những khu trượt tuyết mà tôi đến trải nghiệm là Yangji Pine và Konjiam. Nơi đây có từ 7-9 dốc và 6 thang máy trên vùng đất có diện tích 360.000 m2, nó được giữ nguyên địa hình tự nhiên của núi Dokjosan.
Tôi chơi ở con dốc thoai thoải, loại dành cho người mới bắt đầu, rộng 100 m, dài 500 m. Ở đây du khách có thể trượt ván mang tính trải nghiệm, ít cảm giác mạnh và đảm bảo an toàn.
Nhìn sơ qua có vẻ dễ trượt nhưng tỷ lệ người chơi ngã nhoài diễn ra khá nhiều. Nguyễn Long, một bạn đồng hành của tôi đến từ TP.HCM vừa vào sân được 5 phút liền quay ra và kêu ngã, đau chân.
Vị huấn luyện viên của tôi là một thanh niên gốc Âu. Ban đầu anh ta khuyến cáo không mang điện thoại hay máy ảnh vào sân trượt để tránh bị hư hỏng khi xảy ra ngã hoặc va chạm nhưng nếu mang theo cũng không bị phản đối. Tôi thậm chí còn chỉ đội một chiếc mũ lưỡi chai để hở đầu hở tai cũng không thấy quá lạnh. Thỉnh thoảng thấy buốt quá thì kéo chiếc mũ liền áo phủ lên.
Trên mặt sân trượt tuyết rộng chừng 10.000 m2, có tới cả trăm du khách đang loay hoay tập luyện. Các đoàn du khách được chia làm nhiều nhóm để tiện cho thầy dậy. Nhóm của tôi có 6 người. Thoắt một cái, anh chàng huấn luyện viên đặt chân kẹp vào máng trượt rồi phóng lên phía trước rất thuần thục rồi quay mặt lại hướng dẫn tỉ mỉ từng người cách di chuyển thế nào, nhấc chân ra sao, cách để phanh lại hoặc chống gậy đẩy người tiến về phía trước. Các quy tắc nắm rõ rồi mà nhiều người trong đó có tôi không hề dễ dàng làm theo.
Mặc dù tất cả các dốc trượt tuyết ở Pyeong Chang đều có đèn chiếu sáng nhưng cuộc chơi của tôi và bạn bè chỉ diễn ra trong khoảng 30 phút, từ 16h30 đến khi mặt trời sắp lặn.
Với các du khách khác, nếu như có thời gian hoặc muốn tập luyện thuần thục với môn thể thao này, họ có thể thuê một khách sạn ngay cạnh sân trượt và sử dụng nó bất cứ lúc nào và đương nhiên có thầy hướng dẫn.
Trại nuôi cừu Deagwwallyeong bị phủ đầy tuyết
Có diện tích 195 km2, trại nuôi cừu Deagwwallyeong được một người đàn ông là Jeon Yeong Dae đầu tư xây dựng để phục vụ du lịch. Nếu như vào mùa hè, nơi đây sẽ đẹp hút tầm mắt bởi những ngọn đồi xanh nối dài thì khi đông đến, toàn bộ khung cảnh ngập tuyết trắng. Các nhà làm du lịch vẫn đưa khách đến tham quan đều đặn. Tại đây, du khách có thể cho đàn cừu ăn và chơi cùng chúng. Sau khi ngồi lên chiếc xe tải chuyên dụng đưa từ bãi để ôtô lên đỉnh, chúng tôi có khoảng thời gian 15 phút đi bộ quanh trang trại cừu trên con đường dài khoảng 1,2 km. Nhiều đoạn tuyết đóng cứng lại khá trơn, đi không cẩn thận dễ bị ngã.
Điểm thú vị nhất khi lên đỉnh Deawwallyeong không phải là việc chơi đùa với đàn cừu mà là được đối mặt với những luồng gió thổi rất mạnh và cái rét âm 9 độ C. Hầu như các vị khách ai nấy đều chỉ đứng được 2 phút rồi vội chui vào xe để trở xuống.
Phản hồi gần đây