Theo Thủ tướng, chúng ta tương tác với thế giới ảo nhưng không được “ảo” trong vấn đề an ninh lương thực. Đây là vấn đề hệ trọng với mỗi quốc gia, nhất là khi dịch bệnh xảy ra.
Sáng 18/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho biết Chính phủ hiện tập trung chỉ đạo chống dịch Covid-19 đang lây lan toàn cầu, với số ca nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam gia tăng.
“Chúng ta quyết ngăn chặn cho được đại dịch này. Đây là nhiệm vụ trọng tâm số một của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, vì dịch ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”. Ảnh: VGP. |
Song đi kèm với đó, ông lưu ý phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch tốt, vừa phải giữ ổn định đời sống nhân dân, giữ nhịp độ sản xuất cũng như các lĩnh vực xã hội khác.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra, người đứng đầu Chính phủ càng nhấn mạnh thêm ý nghĩa của hội nghị này, đặc biệt về công tác bảo đảm an ninh lương thực – một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong bất cứ hoàn cảnh nào để bảo đảm cuộc sống, nhu yếu phẩm cho người dân.
Về 10 năm thực hiện “Đề án an ninh lương thực”, Thủ tướng cho rằng nông nghiệp nói chung, đặc biệt sản xuất lương thực của nước ta đã đạt nhiều thành tựu lớn, toàn diện. Từ một nước thiếu ăn, đến nay, bình quân lương thực đầu người của Việt Nam đã đạt 525 kg và là một trong những nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. Ngoài ra, Việt Nam còn có loại gạo được bình chọn là ngon nhất thế giới.
Không muốn nói nhiều về thành tích, Thủ tướng đề nghị thẳng thắn bàn về những tồn tại, khuyết điểm và phương hướng phát triển, trong đó, đề cập đến các yếu kém của nông nghiệp nói chung, của an ninh lương thực nói riêng.
Ví dụ, Việt Nam xuất khẩu trong tốp đầu nhưng an ninh lương thực chỉ đứng thứ 57/113 quốc gia – mức trung bình. Về trồng lúa, mức sống nông dân đã khá hơn trước nhưng nhiều người vẫn còn nghèo, còn khó khăn. Do đó, phải chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, sản xuất lương thực một cách hợp lý.
Thủ tướng mong muốn các nhà khoa học đóng góp ý kiến về các biện pháp lớn, phạm vi quốc gia với tinh thần “bảo đảm an ninh lương thực trong bất cứ hoàn cảnh nào”.
Trong tình hình quốc tế và biến đổi khí hậu, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh an ninh lương thực không chỉ là vấn đề trước mắt mà còn là vấn đề lâu dài, chiến lược. Lương thực là mặt hàng thiết yếu, là nhu cầu ổn định trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Thủ tướng nhắc lại sự việc vừa qua khi xuất hiệu ca nhiễm Covid-19, thị trường nhốn nháo, người dân đổ xô mua lương thực, mì tôm dự trữ. Ngay sau đó, ông đã trực tiếp chỉ đạo các công ty lương thực bảo đảm cung ứng, mở cửa bán lương thực đến 23h cho người dân.
“Trong tình huống đó, không có nguồn thì làm sao bảo đảm được”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu vấn đề.
Theo người đứng đầu Chính phủ, sống trong kỷ nguyên 4.0, tương tác với thế giới ảo, nhưng chúng ta không được “ảo”.
Ông nhấn mạnh an ninh lương thực luôn luôn là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia, nhất là trong điều kiện bất ổn chính trị, an ninh phi truyền thống, dịch bệnh xảy ra trên thế giới.
Thủ tướng cho biết từ các ý kiến tại hội nghị, các cơ quan chức năng sẽ xây dựng dự thảo văn bản trình Bộ Chính trị về an ninh lương thực thời gian đến và trình Quốc hội một dự thảo nghị quyết về vấn đề này.
Phản hồi gần đây