Qua trải nghiệm, người trưởng thành phát hiện rằng, không nên đặt quá nhiều mong đợi vào ai đó.
Cuộc đời mỗi người từ nhỏ đến già đều qua rất nhiều trải nghiệm, dù là hạnh phúc hay khổ đau, đúng hay sai, quá trình này dạy cho bạn từng bước trưởng thành.
Tuy nhiên, đôi khi trưởng thành không liên quan gì đến tuổi tác. “Trưởng thành” chính là việc đạt đến một trạng thái tinh thần mới, một dạng “tu luyện” thực sự trong cuộc đời.
So với những người chưa thực sự trưởng thành, người đã đi qua nhiều trải nghiệm sẽ thấm thía ba điều quan trọng sau:
1. Người trưởng thành giảm thiểu được sự nóng nảy
Người chưa trưởng thành khi gặp phải những chuyện gây khó chịu, những điều đáng xấu hổ hay những bất ngờ gây tác động tiêu cực đến bản thân sẽ tức giận, với biểu hiện đa dạng: Có người gào thét, có người khóc lóc, có kẻ lại dằn vặt, hành hạ những người xung quanh. Chỉ người trưởng thành mới học được cách kiềm chế cảm xúc. Ngay cả khi muôn vàn tâm tư dồn nén trong lòng, họ vẫn duy trì sự bình tĩnh tối thiểu và hành xử đúng mực, hợp lý.
Lý do dẫn tới sự khác biệt này chính là người trưởng thành hiểu được rằng bản thân là chủ thể chính, sẽ lãnh mọi hậu quả từ hành động của mình. Nếu họ sai lầm, họ phải lãnh phạt. Nếu lỗi không phải ở họ, họ hiểu rằng không đáng để tự trừng phạt bản thân bởi sai lầm do người khác gây ra. Họ cũng không cần phải cạnh tranh hơn thua với ai, vì điều đó không cần thiết.
Thêm vào đó, người trưởng thành qua nhiều trải nghiệm sẽ hiểu rằng sự tức giận không bao giờ giúp giải quyết vấn đề, thậm chí còn làm tình hình tệ hại hơn, bởi tâm trạng không tốt sẽ rất dễ đưa ra những lựa chọn sai lầm. Bất kể sự việc có khó khăn thế nào, họ lựa chọn đối diện với nó.
Ảnh: Askmen. |
2. Người trưởng thành ít kỳ vọng vào người khác
Mỗi người đều có những kỳ vọng nhất định dành cho ai đó hoặc một điều gì đó, và rồi trong một số hoàn cảnh, nhận ra rằng mình sai lầm. Trải nghiệm này cho chúng ta một phát hiện rằng, không nên đặt quá nhiều mong đợi vào ai đó.
Một sự thật của cuộc sống mà người trưởng thành nhận ra, chính là: Bạn đối xử với ai đó bằng sự chân thành, nhưng bên kia không nhất thiết “dốc lòng dốc sức” cho bạn, thậm chí giả dối với bạn. Do đó, bạn hiểu rằng bản thân không nên yêu cầu, mong đợi quá nhiều vào người khác, cũng không nên đánh giá quá cao mối quan hệ của mình với bất cứ ai, bởi vì kỳ vọng càng cao, tổn thương càng sâu sắc. Vì vậy, giữ cho mình một trái tim bình thản, như thế bạn sẽ giảm thiểu những tưởng tượng phi thực tế cũng như cảm giác trống rỗng khi thất bại.
Đừng quên rằng, bạn không thể kiểm soát hành động, lời nói của người khác, nhưng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát chính mình. Khi bạn từ từ giảm kỳ vọng vào người khác, bạn sẽ không bị bất cứ ảo tưởng nào, từ đó trở nên rõ ràng, lý trí và khôn ngoan hơn trong mọi lựa chọn của cuộc sống. Điều quan trọng chính là chỉ cần làm việc chăm chỉ, nỗ lực hết mình thay vì trông dựa vào ai đó. Ngay cả khi không đạt được điều mình muốn, ít nhất bạn cũng không cảm thấy hối tiếc.
3. Người trưởng thành không suy sụp khi vấp ngã
Trong cuộc sống, mỗi khi khó khăn xảy ra hoặc một việc gì đó không đạt yêu cầu, chúng ta rất dễ phàn nàn. Chúng ta càng dễ nảy sinh tâm lý so sánh khi gặp người giỏi, thành đạt hơn mình. Trước những khó khăn tạm thời, không ít người rơi vào tâm lý chán nản, cảm thấy rằng cả thế giới đang chống lại họ, làm cho họ tổn thương. Càng rơi vào cái bẫy của sự đổ lỗi hay so sánh, mỗi người càng cảm thấy không thể nào thỏa mãn.
Hầu hết thời gian, chúng ta chỉ thấy sự may mắn, tốt đẹp của người khác, nhưng không thấy sự cay đắng, nỗi khổ họ giấu đi. Trên thực tế, hạnh phúc là cảm giác hài lòng, không đồng nghĩa với sự khát khao lấp đầy.
Người thực sự trưởng thành hiểu rõ phàn nàn, so sánh không mang lại kết quả nào. Điều gì có thể thay đổi sẽ thay đổi, còn nếu điều gì đó không thể thay đổi, buộc phải học cách chấp nhận.
Trưởng thành là giai đoạn mà mỗi người thấm nhuần thực tế: mọi thứ đều có hai mặt, cần chú ý nhiều hơn đến mặt tích cực, lạc quan, thay vì chỉ nghĩ về những u ám, vụn vặt đời thường. Sự trưởng thành cũng đồng nghĩa với sự hướng nội, tự điều chỉnh trạng thái nội tâm, thay vì cố gắng tìm sự thoải mái hay giúp đỡ từ phía ngoài.
Phản hồi gần đây