Theo HĐXX, đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh, khi không đưa ra được chứng cứ hoặc đưa không đủ thì tòa giải quyết theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo

Bà Thảo bật khóc sau khi tòa tuyên ông Vũ được sở hữu toàn bộ số cổ phần tại Trung Nguyên.

Ngày 27/3, phiên tòa xử tranh chấp ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo tiếp tục được mở sau gần 1 tháng tạm dừng.

Ngay khi bắt đầu, hai phía đã tranh luận gay gắt về số tài sản trị giá 2.100 tỷ đồng gửi tại các ngân hàng. Trả lời câu hỏi của HĐXX, phía ông Vũ khẳng định, đây là tài sản chung và từ năm 2015 đến nay bà Thảo không có khoản chi tiêu lớn nào cho gia đình.

Đáp lại, phía bà Thảo cho rằng việc phía ông Vũ tiếp tục phản tố cho thấy dấu hiệu “cản trở tố tụng”, cố tình kéo dài thời gian. Phía bị đơn phải nêu rõ căn cứ tạo lập, chứ không thể nói đây là tài sản chung chỉ vì được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân.

Dù không khẳng định đây là tài sản riêng của bà Thảo, nhưng ông cũng nhấn mạnh đây không phải là tài sản chung. “Đây là bí mật cá nhân” – ông nói và từ chối cung cấp đường đi dòng tiền.

Người đại diện bà Thảo cũng bất ngờ cho biết số vàng gửi tại một ngân hàng là 10.000 chỉ chứ không phải 10.000 lượng như phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ công bố.

Xác nhận sau đó, người đại diện ngân hàng khẳng định đơn vị là “chỉ” chứ không phải “lượng” như thông tin ban đầu. Vì vậy số tiền từ 2.100 tỷ đã giảm xuống còn 1.764 tỷ đồng.

Thông tin Chủ tọa cho biết, số tiền trên gồm 654 tỷ đồng; 9 triệu EUR; 2,3 triệu GBP; 8,9 triệu USD, 5 triệu AUD và 1.000 lượng vàng – quy đổi từ 10.000 chỉ, được xác minh tại thời điểm cuối năm 2015, đầu năm 2016). Tuy nhiên, theo xác minh mới nhất vào tháng 3/2019 thì hai ngân hàng cho biết hiện tài khoản mang tên bà Thảo không còn số dư. Riêng Eximbank thông báo rằng trong số 23 tài khoản tại ngân hàng thì có 22 tài khoản đã quyết toán, chỉ còn một tài khoản có số dư 1,3 tỷ đồng.

Trong khi phía bà Thảo một mực đề nghị HĐXX bác bỏ yêu cầu phân chia số tiền này thì phía nguyên đơn đề nghị ngược lại.

Trong bản án tuyên sau đó, HĐXX nhận định trong các bảng kê tại ngân hàng thì số tiền này thuộc quyền quản lý của bà Thảo, ông Vũ hoàn toàn không giữ số tiền này.

Tại phiên tòa, ông Vũ cũng khẳng định không sử dụng bất cứ số tiền nào do bà Thảo đưa ra, còn đại diện các công ty cũng khẳng định không có sự đóng góp nào của bà Thảo vào việc tăng vốn hay mua cổ phần, cổ phiếu của Tập đoàn.

Trong khi đó, bà Thảo cũng không có chứng cứ nào chứng minh rằng số tiền này được tiêu mua bán tài sản chung của hai vợ chồng. Tại tòa, cả hai đều khai không nợ ai và cũng không có ai nợ.

Theo HĐXX, đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh, khi không đưa ra được chứng cứ hoặc đưa không đủ thì tòa giải quyết theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc.

Mặt khác, theo Khoản 3, Điều 33 Luật Hôn nhân gia đình quy định: Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên, thì tài sản đang tranh chấp đó được coi là tài sản chung.

HĐXX áp dụng điểm B, Khoản 2, Điều 59 Luật Hôn nhân gia đình là chia đôi, có tính đến công sức đóng góp của vợ chồng vào việc, tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung đó. Do đó, HĐXX nhận định bà Thảo phải chịu trách nhiệm với tất cả số tiền 1.764 tỷ đồng.

Khi tranh luận về số tiền, luật sư Nguyễn Minh Tâm (người bảo vệ ông Vũ) cho rằng “về nguyên tắc tài sản do vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung”, do vậy “ai đó cho rằng không phải tài sản chung” thì phải có nghĩa vụ bác bỏ.

Trong khi đó, luật sư Trương Trọng Nghĩa (bảo vệ cho bà Thảo) cho rằng “tài khoản đứng tên cũng chưa chắc là của người đó”, do vậy nghĩa vụ chứng minh đó là tài sản chung thuộc về phía ông Vũ.