Canh bánh gạo, các loại bánh rán… là những đồ ăn truyền thống thể hiện ước mơ sống thọ, vui vẻ.
Người dân Hàn Quốc đón năm mới Âm lịch với nhiều truyền thống lâu đời được gìn giữ. Nếu như người Việt Nam ăn bánh chưng, gà, giò trong ngày mùng Một, người Hàn Quốc chọn canh tteok, các loại bánh cheoun…
Những bữa ăn ngày Tết theo đúng phong tục của người Hàn Quốc có nhiều món. Ngày nay, các gia đình đơn giản thủ tục hơn để giảm tải áp lực cho người phụ nữ.
Không thể thiếu trong ngày mùng Một là canh tteok với các thành phần là bánh gạo, củ cải, trứng, thịt bò với nước hầm xương. Món ăn này cũng thường được người mẹ chuẩn bị cho con cái vào sinh nhật.
Những miếng bánh gạo có màu trắng mang ý nghĩa làm sạch cơ thể, tâm trí để sẵn sàng đón chào điều mới mẻ. Bánh gạo dạng dài thể hiện ước muốn trường thọ còn dạng tròn tượng trưng cho sự phát tài.
Dịp đầu năm mới là lúc nhiệt độ ở các tỉnh, thành phố xứ Hàn xuống thấp, có khi tới 0 độ C. Bởi vậy, các bà nội trợ chuẩn bị những món ăn bổ dưỡng để gia đình có sức khỏe dồi dào. Một số hộ còn sử dụng các loại hồng sâm dạng bột và nước kết hợp với nguyên liệu món ăn để tăng năng lượng cho cả nhà.
Những chiếc bánh cheoun với thành phần là cá, thịt, ớt chuông, nấm tẩm bột.
Đĩa bánh cheon đủ loại, nhiều màu sắc thể hiện mong ước năm mới tươi vui. Món ăn nhẹ vừa đủ no và nóng hổi thích hợp cho mùa giá rét.
Ngoài chế biến làm kim chi, cải thảo cũng có thể trộn với giá đỗ, hành tăm rắc thêm chút vừng để làm gỏi. Nhờ vậy, người ăn sẽ không có cảm giác ngấy khi thưởng thức các món chiên rán.
Dù cuộc sống ngày càng hiện đại, các gia đình ở Hàn Quốc cho rằng Tết là thời gian quý giá để cả gia đình sum tụ, chia sẻ món ăn ngon.
Nhiều cô dâu Hàn Quốc phàn nàn cảm thấy mệt mỏi trong dịp Tết do phải chuẩn bị nhiều đồ. Dù vậy, họ vẫn tận tâm với công việc nội trợ, biến tấu thêm các thành phần mới cho món ăn ngon bổ.
Những miếng sâm thái lát cùng với hạt lựu, hoa păng-xê, nước hoa quả tạo nên món chè đầy màu sắc.
Phản hồi gần đây