Cam kết sống cùng nhau tới hết cuộc đời không đồng nghĩa với việc hai người có chung mục tiêu hay tầm nhìn cho công ty. Khi đó, họ sẽ gặp vấn đề lớn, theo Forbes.
Nhiều vợ chồng doanh nhân cùng nhau điều hành đề chế kinh doanh thường có ý kiến cực đoan khi được hỏi về việc này. Với họ, đó có thể là điều tốt đẹp nhất, hoặc tồi tệ nhất với họ. Chỉ số ít thấy không quá khác biệt khi điều hành doanh nghiệp cùng nửa kia của mình.
Với những người xem việc điều hành doanh nghiệp cùng bạn đời là điều tuyệt vời nhất, họ có thể kết thúc sự nghiệp bằng việc cùng viết một cuốn sách với nội dung “Làm thế nào để xây dựng công ty thành công với vợ/chồng mình?”. Sau đó, họ sẽ đi khắp thế giới diễn thuyết về cách giữ được một mối quan hệ hoàn hảo.
Ngược lại, cái kết của các cặp vợ chồng kia là một cuộc ly hôn kéo dài, tranh cãi xem ai đóng góp nhiều hơn cho công ty và ai xứng đáng nhận phần nhiều hơn, Forbes nhận định.
Vậy chuyện gì xảy ra khi họ nhận thấy mình đang hành xử một cách xấu xí và thật sự muốn cứu vãn hôn nhân? Thông thường, một người sẽ rút lui hoàn toàn khỏi việc kinh doanh và để người còn lại điều hành công ty. Chỉ bằng cách này, họ mới có thể hòa giải thành công.
Có một sự nghiệp kinh doanh thành công cùng vợ hay chồng không hề dễ dàng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Forbes đưa ra ít nhất 5 điều mà một cặp vợ chồng cần có để cùng nhau kinh doanh thành công. Không có những điều này, cả công việc và hôn nhân của họ đều có nguy cơ tan vỡ.
Cam kết đóng góp vào công việc chung như nhau
Những cặp đôi thành công thường có cống hiến tương đương trong công việc kinh doanh chung. Có thể ở bên ngoài, một người sẽ xuất hiện như người lãnh đạo nhưng thực tế bên trong, cả hai đều dành thời gian và năng lượng như nhau để phát triển công ty và tiếp thêm sức mạnh cho người kia bằng cách riêng của mình.
Nhưng nếu một người luôn cố gắng để công ty phát triển còn người kia lại hài lòng với sự trì trệ và tự mãn, sự tức giận và phẫn nộ sẽ xuất hiện. Và kết quả là cuộc hôn nhân hoặc công ty hoặc cả hai sẽ sụp đổ.
Không phải cặp vợ chồng nào sau khi cùng xây dựng sự nghiệp kinh doanh thành công vẫn ở bên nhau. Ảnh: The Liquor Store. |
Chọn vai trò phù hợp với mỗi người
Thông thường, khi một đôi vợ chồng trẻ khởi nghiệp cùng nhau, rốt cục mỗi người sẽ giữ một vai trò riêng dù họ có thích hay không. Đến một lúc nào đó, nếu một trong hai người hay cả hai nhận ra mình không thích hợp cho vị trí đó, họ cần phải đưa ra quyết định dứt khoát. Hoặc là thay đổi, hoặc là từ bỏ.
Ở lại một vị trí với tác động xấu đến doanh nghiệp chỉ làm công ty và sau cùng là hôn nhân khổ sở. Không dễ để thừa nhận bạn không phải là người phù hợp để điều hành công ty chính mình gây dựng nên. Nhưng nếu mục tiêu quan trọng nhất là xây dựng một doanh nghiệp thành công, bạn cần phải vứt sự kiêu hãnh cá nhân qua một bên.
Có chung tầm nhìn với công ty
Cam kết sống cùng nhau tới hết cuộc đời không đồng nghĩa với việc hai người có chung mục tiêu hay tầm nhìn cho công ty. Nếu một người vẫn muốn giữ doanh nghiệp ở quy mô công ty gia đình nhỏ còn người kia lại muốn phát triển việc kinh doanh ra thị trường quốc tế, cả hai sẽ gặp vấn đề lớn. Một công ty không thể phát triển khi tầm nhìn của những người lãnh đạo không gặp nhau.
Tôn trọng nhau
Bạn đã bao giờ thấy một cặp vợ chồng cực kỳ tôn trọng nhau trong việc kinh doanh nhưng lại không coi nhau ra gì trong đời sống bình thường hoặc ngược lại? Câu trả lời có lẽ là không.
Những cặp đôi kết hôn trong hạnh phúc khi khởi nghiệp cùng nhau thông thường sẽ càng coi trọng nửa kia hoặc mất hết sự tôn trọng lẫn nhau sau một thời gian.
Đối với một cặp vợ chồng, sự tôn trọng trong đời sống cá nhân và trong công việc thường song hành. Họ có thể sẽ không còn tôn trọng người kia nếu liên tục bất hòa trong việc kinh doanh.
Một cách đơn giản để xem hai vợ chồng có coi trọng nhau hay không là hỏi chính nhân viên của họ. Đây là những người đầu tiên cảm nhận được rõ ràng và thông thường có thể nhìn thấy trước liệu mối quan hệ giữa ông bà chủ của mình có kéo dài hay không.
Điều đáng buồn là dù vợ chồng có thể đã làm việc cùng nhau trước khi khởi nghiệp, họ vẫn sẽ thất bại nếu mất đi sự tôn trọng nhau trong công việc. Và một khi sự tôn trọng không còn, nó gần như không thể quay lại.
Biết cách bỏ lại công việc
Điều hành công ty đã đủ khó khăn và đau đầu. Thêm hôn nhân nữa thì sao? Đây đúng là thách thức lớn với nhiều người. Khi vợ chồng biết cách bỏ lại công việc để tận hưởng cuộc sống cá nhân của hai người, họ sẽ vượt qua được thử thách.
Nhưng nhiều cặp đôi khi cùng nhau điều hành công ty không thể bỏ lại công việc được nữa. Cuộc sống của họ hoàn toàn xoay quanh việc kinh doanh. Những lúc ăn tối hay nằm cạnh nhau, họ vẫn nói về vấn đề công việc. Vấn đề sẽ ngày một trầm trọng khi một người muốn ngừng việc kinh doanh lại còn người kia thì không thể và không bao giờ làm điều đó.
Phản hồi gần đây