Khoản tiền sẽ chi, chức năng, vệ sinh, chế độ… là những tiêu chí giúp lựa chọn máy ép trái cây.

Kinh nghiệm mua máy ép trái cây: Giá cả 

Các loại máy ép trái cây trên thị trường hiện nay có giá bán khá đa dạng với mức chênh lệch lớn: có loại chỉ vài trăm nghìn đồng nhưng cũng có loại lên tới vài chục triệu đồng. Các loại máy này có công suất khác nhau và nhắm vào đối tượng khách hàng riêng, nhưng đều được thiết kế để thực hiện cùng một mục đích chính: chiết xuất nước ép từ rau, quả tươi.

Tuỳ vào ngân sách gia đình, người dùng nên dự trù một khoản nhất định cho việc mua máy ép, sau đó lựa chọn các loại máy trong tầm giá. Việc này sẽ giúp tránh việc “hoa mắt” và bối rối khi đứng giữa quá nhiều lựa chọn.

Kinh nghiệm mua máy ép trái cây

Kinh nghiệm mua máy ép trái cây

Máy ép thương hiệu Mueller Austria được nhiều người mua trên Amazon.

Tìm hiểu về chức năng

Một trong những lý do khiến giá các loại máy ép chênh lệch lớn là ở công nghệ và khả năng ép đa dạng các loại rau, quả. Một số máy chỉ có thể ép được các thực phẩm nhất định trong khi một số loại khác có thể xử lý tốt hầu như tất cả rau lá, củ, quả dù mềm hay cứng. Đây là lý do người dùng cần hình dung xem loại máy ép nào mình cần và sẽ sử dụng thường xuyên để chọn mua. Hiện nay, có 3 loại máy ép trái cây chính:

– Máy ép ly tâm (máy ép tốc độ cao):

Được thiết kế với một mâm xay dạng tròn gồm nhiều lưỡi dao và lưới lọc để ép nước từ thực phẩm. Khi đưa hoa quả vào ép, mâm xay sẽ xoay với tốc độ cao, mài nhỏ hoa quả, tách nước ra khỏi phần bã nhờ lực ly tâm. Ưu điểm của máy ép ly tâm là có giá thành khá rẻ (khoảng 500.000 đồng-1,5 triệu đồng), có thể ép được nhiều loại rau củ quả. Máy cũng có các nhược điểm như thường làm nước ép bị sủi bọt, tách nước, mất nhiều vitamin, màu sắc và vị tự nhiên bị biến đổi, cọ rửa phức tạp, gây ồn.

– Máy ép trái cây tốc độ thấp:

 Gồm một trục cán giúp nghiền rau trái thành bã rồi ép lại qua một màng lọc. Máy ép khá kiệt, được nhiều loại rau củ có kích thước lớn, không cần cắt nhỏ. Nước ép ra ít bị sủi bọt. Nhược điểm của máy là không ép được hết nước với các loại thân lá, giá thành cao hơn máy ép ly tâm (khoảng 3,5-5,5 triệu đồng).

– Máy ép trái cây tốc độ cực thấp (máy ép chậm): Rau củ quả sẽ được nghiền và ép kiệt nước ở tốc độ thấp. Nước ép ít sủi bọt, không bị tách nước, giữ được màu sắc và mùi vị tự nhiên cũng như các vitamin của rau, củ, quả. Máy thường chạy êm, ít gây ồn. Nhược điểm của máy là giá cao, tốn nhiều thời gian ép và việc tháo, lắp và rửa cũng phức tạp hơn.

Kinh nghiệm mua máy ép trái cây

Kinh nghiệm mua máy ép trái cây

Máy ép chậm được yêu thích vì giữ được giá trị dinh dưỡng của rau, trái cây. Tham khảo thêm các loại máy ép khác tại đây

Cân nhắc khâu vệ sinh máy

Quá trình ép thường bao gồm việc nghiền nát rau, trái, ép lấy nước và sẽ để lại nhiều cặn, bột bên trong máy. Do cấu tạo và cơ chế hoạt động, một số loại máy ép trái cây sẽ dễ dàng được làm sạch hơn so với các loại khác. Một số loại, người dùng phải tháo rời các bộ phận, rửa bằng tay tất cả từng thứ một. Nhưng cũng có máy ép có khả năng tự làm sạch, chỉ cần đổ nước vào là máy sẽ làm sạch căn bản, sau đó người dùng chỉ cần tháo rời chi tiết, tráng qua dưới vòi nước là xong.

Để biết rõ cách vệ sinh từng loại, bạn nên đọc kỹ các thông tin về sản phẩm cũng như hướng dẫn cách sử dụng, tham khảo kinh nghiệm của những người từng dùng máy ép.

Máy ép một hay hai chế độ

Hầu hết các loại máy ép đều có một nút bật – tắt đơn giản. Tuy nhiên, một số thiết bị lại có các chế độ riêng, một cho những loại trái cây mềm như cam (ép nhanh) và một cho các loại nguyên liệu cứng hơn như cà rốt, ổi (ép chậm).

Việc có thể sử dụng hai chế độ sẽ thuận tiện nếu người dùng thường xuyên ép nhiều loại rau, củ, quả đa dạng. Nhưng nếu chỉ thích một số thức uống nhất định từ các loại trái cây mềm như dưa hấu, dứa… thì không cần phải đầu tư mua máy có hai chế độ.