Thay vì kêu ca, phàn nàn về điều kiện vật chất, nhiều người cố gắng sống đơn giản, biến nơi cách ly thành nhà ở, quyên góp tiền ủng hộ đội ngũ chống dịch.

2 cô gái trở về từ nước ngoài, được cách ly tập trung tại khu ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, mới đây trở thành tâm điểm chỉ trích vì lên mạng xã hội chê bai, than phiền về điều kiện ăn ở tại khu cách ly.

“Kinh khủng khiếp”, “nhỏ và bẩn”, “không nệm”, “không dịch vụ giao đồ ăn”… là những gì họ mô tả về khu ký túc xá, nơi chỉ trước đó vài ngày hàng nghìn sinh viên đã phải chuyển đi để nhường chỗ cách ly. Cũng trước đó không lâu, các tình nguyện viên đã ăn tối trên hành lang, ngủ ở sân sau để đảm bảo không gian, điều kiện cách ly tốt nhất.

Để biến một khu ký túc xá, một trường quân sự hay một bộ chỉ huy quân sự tỉnh thành nơi cách ly cho hàng trăm, hàng nghìn người là nỗ lực của rất nhiều cá nhân, đơn vị. “Nếu không làm được gì giúp ích, đừng nên gây thêm phiền phức” là điều mà những người cách ly tâm niệm khi cố gắng hành xử văn minh.

Thay vì kêu ca cơ sở vật chất nghèo nàn, một giáo viên tình nguyện trở về từ Lào xin đóng góp nửa tháng lương, một du học sinh đã ủng hộ toàn bộ tiền kiết kiệm cho đội ngũ chống dịch.

Và thay vì phàn nàn sự thiếu thốn, nhiều người khác đã bắt đầu xắn tay áo biến nơi cách ly thành căn phòng xinh xắn để sống, học tập và làm việc có ích hơn trong 2 tuần sống tại đây.

Những lá thư tay nắn nót từ khu cách ly

“Cách ly là điều cần làm trong hoàn cảnh hiện nay. Chúng tôi rất biết ơn bệnh viện cũng như tất cả cán bộ ở đây đã tận tình chăm sóc trong những ngày qua”.

Đó là đôi dòng thư tay của ông bà David và Cath Butler kịp gửi lại cho các nhân viên y tế tại Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội) – nơi cả 2 đã cách ly 14 ngày – trước khi về nước.

Bằng những dòng chữ mộc mạc, giản dị, đôi vợ chồng người Anh còn thể hiện lòng tin đối với công tác chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Chiều 20/3, các y, bác sĩ, cán bộ công an làm nhiệm vụ tại khu cách ly Beach Resort Hội An (Quảng Nam) cũng nhận được lá thư tương tự từ một du khách người Ba Lan.

Tuy nhiên, điều đặc biệt là thay vì viết bằng tiếng Anh hay tiếng Ba Lan, du khách này đã dùng Google dịch để chuyển ngữ ý tứ của mình, sau đó tỉ mẩn dùng bút bi “tô” lại từng ký tự tiếng Việt.

Công việc mất nhiều thời gian nhưng thể hiện tâm ý mà vị khách nước ngoài muốn gửi gắm trong bức thư tay trúc trắc bằng tiếng Việt.

Kèm theo tình cảm và tấm lòng biết ơn dành cho những cán bộ y tế, chiến sĩ, nhiều bức thư tay nắn nót khác cũng đã được người cách ly gửi đi. Rất nhiều trong số đó được chụp lại và chia sẻ trên các diễn đàn đã giúp lan tỏa lòng tốt, cách hành xử văn minh của những người cách ly trong mùa dịch Covid-19.

Biến nơi cách ly thành nhà ở

Tại khu ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, những người cách ly còn thể hiện sự cảm kích theo cách khác.

“Các chậu cây ở ban công được tưới nước đều đặn 2 lần mỗi ngày. Đồ đạc còn lại trong phòng tụi mình đã gói gọn, cất tủ cẩn thận. Sau khi rời đi, tụi mình cũng sẽ dọn dẹp sạch sẽ. Các bạn sinh viên yên tâm nhé”, Hà My (du học sinh Pháp, đang cách ly tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM) viết trên trang cá nhân.

Sống gọn gàng, tiết kiệm và tối giản là cách nữ du học sinh 23 tuổi áp dụng trong 14 ngày cách ly tập trung. Cũng vì thế, cô đã nhắn người thân không gửi thêm thức ăn hay đồ đạc gì cho mình trong những ngày này.

“Nếu không giúp được gì, tốt nhất là tránh gây phiền phức. Mình sẽ cố sống khác trong 2 tuần tới”, 9X nói thêm.

Với suy nghĩ: “Nếu coi nơi cách ly là tạm bợ thì 14 ngày tại đây ngày nào cũng tạm bợ, cau có”, chị Nguyễn Trinh Trang (đang cách ly tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM) bắt đầu xắn tay áo dọn dẹp phòng ốc, lau chùi giường chiếu, đồ đạc ngay trong ngày nhận phòng.

Không chỉ lau dọn sạch sẽ nơi ở, chị Trang và những người bạn chung phòng còn tìm cách trang hoàng không gian bằng đồ vật sẵn có và cả hoa cỏ hái được ở sân hè ký túc xá. Kết quả, căn phòng cách ly giờ đây không khác gì một studio sống ảo.

“Để sống, làm việc và tuân thủ cách ly ở đây 14 ngày, cách tốt nhất là xem nó như nhà của mình, trang trí, lau dọn xếp đặt mọi thứ gọn như một căn phòng ngủ xinh đẹp nhất có thể. Như vậy, tự nhiên cảm thấy mình sẽ thích nghi và thoải mái thôi”, chị Trang chia sẻ.

Cũng chính nhờ việc xem khu cách ly như nhà của mình, du học sinh Nguyễn Ngọc Linh trở về từ Italy, được cách ly tại trường Quân sự tỉnh Bắc Ninh, cảm thấy 14 ngày trôi qua thật nhẹ nhàng, không khác gì một kỳ nghỉ.

Ngọc Linh còn quyết định lưu giữ “kỳ nghỉ đặc biệt này” bằng những hình ảnh tự chụp. Từ chiếc giường 1,2 m, dãy nhà nội trú đến những người bạn chung phòng, nhân viên y tế tại khu cách ly đều hiện lên nhẹ nhàng và dễ thương qua loạt ảnh của nữ sinh.

Như lời phát biểu của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres vào ngày 13/3 vừa qua: “Chúng ta phải cùng nhau vượt qua Covid-19”, thông điệp đoàn kết đang được phát đi trên khắp thế giới giữa đại dịch.

Một cá nhân, một quốc gia đơn lẻ sẽ không thể vượt qua và đẩy lùi dịch bệnh cũng không phải là nhiệm vụ của riêng tổ chức, khu vực nào. Bằng cách làm đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, mỗi người ở trong hay ngoài khu cách ly, ở tuyến đầu hay hậu phương đều có thể góp sức cho cuộc chiến chống lại đại dịch.