7 cây bonsai, trong đó có cây bách xù quý hiếm, bị đánh cắp ở một khu vườn Nhật Bản.

Fuyumi Iimura, vợ của nghệ nhân bonsai ở khu vườn tại tỉnh Saitama, gần Tokyo, cho hay những tên trộm đánh cắp số cây trên vào các đêm tháng trước. Chúng rất chuyên nghiệp bởi chỉ nhắm vào những cây có giá trị cao nhất trong khu vườn rộng gần 5.000 hecta với khoảng 3.000 cây bonsai.

Cây bách xù quý hiếm 400 năm tuổi, có giá hơn 10 triệu yen (90.000 USD) nằm trong số bonsai bị trộm. Ảnh: CNN

Cây bách xù quý hiếm 400 năm tuổi, có giá hơn 10 triệu yen (90.000 USD) nằm trong số bonsai bị trộm. Ảnh: CNN

7 cây bonsai bị trộm trị giá ít nhất 13 triệu yen (118.000 USD), trong đó riêng cây bách xù quý hiếm 400 năm tuổi, được mệnh danh là ngôi sao của thế giới bonsai, đã có giá hơn 10 triệu yen (90.000 USD).

Những cây khác bị trộm gồm 3 cây thông nhỏ, gọi là goyomatsus, và ba cây bách xù có giá thấp hơn.

“Chúng tôi chăm các cây cảnh như con mình”, Fuyumi nói. “Không từ ngữ nào diễn tả được cảm xúc của chúng tôi lúc này. Chúng tôi như bị mất đi chân tay”.

Chồng của Fuyumi, Seiji Iimura, là nghệ nhân bonsai thế hệ thứ năm trong một gia đình có truyền thống theo nghề trồng cây cảnh từ thời Edo (1603 – 1868).

Bắt nguồn từ nghệ thuật non bộ Trung Quốc, bonsai được một nhóm môn đồ Thiền Tông đưa về Nhật Bản vào thế kỷ thứ 6 sau chuyến ra nước ngoài. Họ gọi đây là “bonsai”, nghĩa là cây trồng trong chậu nhỏ.

Fuyumi cho biết cây bách xù 400 tuổi được lấy từ một ngọn núi cách đây hàng thế kỷ. Gia đình Iimura sau đó thu nhỏ dần cây. Nó cao 1 mét và rộng khoảng 70 cm khi bị trộm. “Đó không phải là việc có thể hoàn thành chỉ trong một đêm”, bà nói.

7 cây bonsai bị trộm có thể được bán với giá khá cao ở chợ đen và chuyển sang châu Âu, theo Fuyumi. Một số nghệ nhân từng phát hiện bonsai của họ được rao bán trên mạng xã hội nhưng rất hiếm người lấy lại được những cây đã mất.

Quảng cáo

“Tôi muốn bất kỳ ai lấy đi số bonsai đảm bảo việc tưới nước cho chúng. Cây bách xù đã tồn tại 400 năm. Nó cần được chăm sóc và không thể sống sót nếu một tuần không được tưới nước”, Fuyumi nói. “Chúng có thể tồn tại vĩnh cửu, kể cả khi chúng ta mất đi, nếu được chăm nom đúng cách”.