Với việc khoa học và công nghệ nổi lên như một tiền tuyến mới trong căng thẳng Mỹ – Trung, các nhà khoa học đang bắt đầu lo lắng tính tự do trong học thuật có thể bị ảnh hưởng.
Hồi tháng 5, ĐH Emory đã ra quyết định sa thải một cặp vợ chồng gồm 2 nhà thần kinh học Li Xiaojiang và Li Shihua, với cáo buộc cặp đôi này không tiết lộ các khoản tài trợ từ những tổ chức ở Trung Quốc.
Cuộc chiến do Mỹ khơi mào
Cuộc điều tra vào cặp đôi này (cả hai đều đã nhập tịch thành công và trở thành công dân Mỹ) bắt nguồn bằng một lá thư của Viện Sức khoẻ Quốc gia Mỹ (NIH). Cụ thể, tổ chức này đã cảnh báo các viện nghiên cứu về “ảnh hưởng của nước ngoài” tại những phòng thí nghiệm do NIH tài trợ.
Quyết định tương tự cũng diễn ra tại Trung tâm nghiên cứu ung thư MD Anderson, một bệnh viện chuyên khoa về ung thư nổi tiếng ở Houston, tài trợ bởi NIH.
“Nỗi sợ” gián điệp của Mỹ có thể khiến họ vượt qua ranh giới học thuật và làm ảnh hưởng đến sự hợp tác giữa các nhà khoa học Mỹ – Trung. Ảnh: Getty Images. |
NIH vốn được biết đến như là một quỹ tài trợ công lớn nhất thế giới về nền tảng nghiên cứu. Lâu nay, họ luôn khuyến khích sự hợp tác quốc tế. Chính vì vậy, hành động thăm dò quy mô lớn nhắm vào các nguồn tài trợ từ nước ngoài của NIH tạo nên sự ngạc nhiên với cộng đồng khoa học Trung Quốc.
Với việc xem xét kỹ lưỡng hơn về mối quan hệ của các nhà khoa học với phía Trung Quốc – nơi được xác định là ngọn nguồn “ảnh hưởng của nước ngoài” và rủi ro ăn cắp tài sản trí tuệ – NIH gần như đang “lặp lại” chiến dịch đấu tranh với hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc do Bộ Tư pháp Mỹ khởi động ngày 1/11/2018.
“Hiện nay, chúng ta có thể thấy hoạt động gián điệp của Trung Quốc không chỉ nhắm vào các đối tượng thông thường như cơ quan tình báo hay quốc phòng. Họ đang nhắm tới những mục tiêu như các trường đại học và phòng thí nghiệm nghiên cứu”, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ lúc ấy Jeff Sessions cho biết khi đưa ra sáng kiến.
Tuy nhiên, Peter Zeidenberg, một luật sư tại công ty luật Arent Fox, cũng là cựu công tố viên, lại có quan điểm khác. Ông cho rằng khái niệm ăn cắp tài sản trí tuệ có vẻ như vẫn còn khá xa lạ với các nhà khoa học, những người vốn dĩ thường có xu hướng chia sẻ và công bố nghiên cứu khoa học trong chính cộng đồng của họ.
“Sáng kiến buộc họ không thể gửi, chia sẻ hoặc hợp tác với nhau thật sự là một ý tưởng ác mộng với các nhà khoa học”, Zeidenberg cho biết trong một hội thảo hồi tháng 6.
Trong khi đó, một số hiệp hội khoa học cũng đang phải trải qua khoảng thời gian khó khăn trong việc chuyển hướng tăng cường các hành động pháp lý của phía Mỹ nhằm chống lại những nhân sự có liên kết với Trung Quốc.
Hồi tháng 5, Viện kỹ sư Điện và Điện tử Mỹ (IEEE), “tác giả” lớn của những tạp chí học thuật, đã cấm các nhà nghiên cứu “hợp tác” với Huawei Technologies chỉ vài ngày sau lệnh cấm xuất khẩu công nghệ với công ty Trung Quốc của chính quyền Mỹ.
Ju Yiguang, giáo sư kỹ thuật cơ khí và hàng không vũ trụ tại Đại học Princeton, cho biết việc này đã tạo sự thất vọng cùng hiểu nhầm lan rộng trong cộng đồng các nhà khoa học Trung Quốc – Mỹ.
“Bạn sẽ không thể biết liệu mình đã vượt qua ranh giới giữa tự do học thuật và ‘ảnh hưởng của nước ngoài’ hay chưa”, Ju nói và đề cập đến “nỗi sợ đang lớn dần” về việc “khi căng thẳng thương mại trở thành một cuộc chiến công nghệ và có thể sau đó là cả chiến tranh về mặt chính trị sẽ buộc chúng ta phải chọn một phe”.
Vấn nạn phân biệt chủng tộc
Bầu không khí ngày càng căng thẳng giữa Mỹ – Trung cũng làm dấy lên những cáo buộc phân biệt chủng tộc.
Trong một lá thư hồi tháng 3 gửi đến tạp chí Science, một nhóm các nhà khoa học gốc Trung Quốc đã cáo buộc phía Mỹ về việc tham gia vào việc “kỳ thị màu da”.
Sau đó, vào tháng 6, một nhóm vận động hành lang có trụ sở tại New York đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ Donald Trump, khẳng định “các cuộc điều tra bừa bãi và việc kỳ thị màu da nhắm vào các nhà khoa học Trung Quốc không có chỗ đứng ở nước Mỹ”.
Trong những năm gần đây, phía Mỹ đã liên tục mắc sai lầm “ngớ ngẩn” khi đưa ra cáo buộc gián điệp chống lại các nhà khoa học gốc Trung Quốc. Một trường hợp điển hình cho việc này là Xiaoxing Xi, cựu Chủ tịch khoa Vật lý tại Đại học Temple ở Philadelphia, người bị buộc tội vào năm 2015 vì ăn cắp công nghệ bị hạn chế của Mỹ và gửi đến Trung Quốc.
Nhà vật lý học người Mỹ gốc Hoa, Xiaoxing Xi trong một buổi họp báo tháng 9/2015 tại Washington. Ảnh: AFP. |
Vụ việc đã bị hủy bỏ chỉ vài tháng sau khi lời khai cho thấy bằng chứng từ phía FBI đã bị hiểu lầm. Tuy nhiên, Xi sau đó vẫn tiếp tục phải chịu hậu quả từ “vết nhơ” này và bị cắt mất phần lớn tài trợ của chính phủ Mỹ cho các dự án nghiên cứu.
Cuộc “đàn áp” của NIH đối với các học giả được Trung Quốc tài trợ cũng đã khiến ít nhất 2 nhà khoa học nghiên cứu ung thư người Mỹ gốc Hoa phải quay về quê nhà Châu Á.
Wu Xifeng, người đã dành cả thập kỷ để làm việc tại bệnh viện MD Anderson trước khi bị đuổi việc, đã quay về nước và trở thành trưởng khoa Y tế công cộng tại ĐH Chiết Giang. Trong khi đó, nhà khoa học nghiên cứu ung thư gốc Đài Loan Mien-Chie Hung đã trở thành chủ tịch của Đại học Y Trung Quốc tại quê nhà.
Phản hồi gần đây